Vẻ đẹp sông Hàn Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Lưu Hương
Bên cạnh việc chỉnh trang, mở cửa trở lại các điểm lưu trú, vui chơi, các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng đang chuẩn bị công tác đào tạo nhân lực, tung ra nhiều sản phẩm kích cầu để chuẩn bị đón đầu cho sự phục hồi ngành du lịch.
Làm mới sản phẩm, tăng thêm trải nghiệm
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết: Để chuẩn bị cho sự phục hồi du lịch, công ty đang tập trung chính vào thị trường nội địa, chuẩn bị chu đáo nhất để đón khách mùa hè này.
"Chỉ cần kiểm soát dịch trong nước tốt thì giai đoạn từ nửa cuối tháng 5 đến hết tháng 8 khách nội địa sẽ bùng nổ mạnh mẽ, có khả năng đạt 70% đến 80% so với thời điểm năm 2019. Chúng tôi hiện đã chuẩn bị đầy đủ về công tác vận chuyển, lưu trú và đặc biệt nguồn nhân lực phục vụ, hướng dẫn viên, để sẵn sàng chào đón du khách" , ông Lê Tấn Thanh Tùng nhận định.
Còn Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc Công ty CP DHC Services cho biết xu hướng du lịch năm nay đã có sự thay đổi, với ưu tiên hàng đầu của du khách đảm bảo an toàn y tế, sức khoẻ, chú trọng hơn đến chất lượng điểm đến. Du khách cũng quan tâm du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, du lịch sinh thái. Doanh nghiệp đã cải tạo và đưa vào hoạt động các hạng mục dịch vụ mới ở Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài để tăng trải nghiệm cho du khách như: Cải tạo mở rộng hồ khoáng nóng Huyệt Long hồ với các cụm hồ mới, trồng thêm các loài hoa phong lan để tạo cảnh quan tươi mới; vừa chăm sóc sức khoẻ mà đáp ứng được nhu cầu chụp ảnh check-in cho du khách, tạo cho du khách đến như được hoà mình cùng thiên nhiên.
Để đáp ứng nhu cầu du lịch chăm sóc sức khoẻ, Công ty CP DHC Services bổ sung thêm hạng mục xông hơi đá muối Himalaya, kèm miễn phí dịch vụ tắm Onsen theo phong cách Nhật Bản giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ. Đặc biệt, vào cuối tuần có show diễn khủng long kỳ thú, trại hè sáng tác... sẽ là điểm đến cho các bạn nhỏ được vui chơi khám phá.
Bắt đầu từ tháng 3, lượng du khách đến Đà Nẵng có nhiều tín hiệu lạc quan. ANanh: VGP/Lưu Hương
Bà Mai Oanh, Giám đốc kinh doanh của khách sạn Danang Goden Bay chia sẻ Đà Nẵng may mắn không bị ảnh hưởng bởi đợt dịch thứ 3, do đó, bắt đầu từ tháng 3 du khách đã bắt đầu có tín hiệu trở lại Đà Nẵng.
Ngay từ đầu năm, khách sạn Danang Goden Bay chuẩn bị các chương trình về giá, trước nhất là khuyến mãi giá phòng để kích cầu; tăng thêm những lợi ích cho khách ở khách sạn như: trả phòng trễ, thêm suất phần ăn đặc biệt và gói phòng cho khách. Sắp tới, khách sạn này cũng sẽ có gói đặc biệt hướng vào dòng khách gia đình trong dịp 30/4-1/5, bao gồm như dạy nấu ăn, dạy học yoga, dạy vẽ cho trẻ...
“Để chuẩn bị phục vụ du khách, chúng tôi đã gọi lại nhân lực cũ có tay nghề và đào tạo các bạn thực tập sinh để các bạn có kỹ năng nghề nghiệp, làm ấm lại sự nhiệt tình, chuyên nghiệp trong việc chào đón khách”, bà Mai Oanh chia sẻ.
Cần được tiếp sức như năm 2020
Nói về những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, bà Mai Oanh trao đổi: Khó khăn lớn mà khách sạn chúng tôi gặp phải đó là chi phí vận hành. Là một khách sạn lớn với 1.000 phòng. Nếu như trước đây lượng khách ở chiếm 70-80% thì hiện tại một ngày có 3-4% thôi nên chi phí vận hành bỏ ra rất nhiều, do đó chúng tôi mong muốn được Chính phủ, thành phố quan tâm, hỗ trợ các vấn đề về giảm tiền điện, nước, thuế, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch sớm ổn định và phục hồi.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng kiến nghị cho các DN du lịch tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, như hoãn, giảm, khoanh nợ ngân hàng, thuế.
Liên quan đến người lao động du lịch, do nhiều người đã nghỉ việc khá lâu, một số đã dịch chuyển sang lĩnh vực khác nên cần có thêm nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ cho người lao động trong du lịch.
Ảnh: VGP/Lưu Hương
10 giải pháp để khôi phục và phát triển Đà Nẵng
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết: Qua 2 đợt bùng phát dịch có thể thấy TP. Đà Nẵng đã thực hiện rất nhanh công tác truy vết, khoanh vùng và dập dịch; cộng đồng có ý thức cao trong việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch; thành phố cũng chuẩn bị sẵn sàng nhiều phương án để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Về phía ngành du lịch đã triển khai thực hiện quy trình phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch; đề nghị các đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, nhân lực phục vụ, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ để phục vụ khách trong mùa cao điểm.
Giai đoạn 2021-2022, Đà Nẵng sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, nguồn khách từ các địa phương có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng. Đối tượng khách hướng đến là đi theo nhóm, gia đình, khách công vụ (MICE), các trường học, học sinh, sinh viên, khách du lịch ngắn ngày.
Chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2022 với còn nhiều khó khăn, thách thức, với mục tiêu khôi phục lại hoạt động du lịch phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến của COVID-19, đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ngành du lịch TP. Đà Nẵng sẽ tập trung vào 10 giải pháp trọng tâm gồm: Đảm bảo công tác phòng chống dịch để giữ điểm đến an toàn; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục hoạt động kinh doanh; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến; tổ chức các chương trình kích cầu thu hút khách; đầu tư xây dựng sản phẩm mới; tổ chức các sự kiện quy mô lớn để thu hút khách; xây dựng và triển khai phương án chuẩn bị điều kiện để đón và phục vụ khách sau khi Chính phủ cho phép hoạt động lại du lịch quốc tế; triển khai liên kết hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ khách.