Theo Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC, Covid đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến du lịch. Năm 2020, tại Việt Nam, 90% doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động, 40 - 60 % những người làm trong ngành du lịch không có, mất việc làm. Tuy vậy, trong năm 2020, Việt Nam vẫn đạt 50 triệu lượt khách du lịch nội địa. Mặc dù tâm lý e dè nhưng nhu cầu người Việt đi du lịch vẫn rất lớn.
"Theo thông tin khảo sát từ báo Vnexpress, 53,4% người tham gia khảo sát dự định đi nghỉ từ tháng 5 đến tháng 9; 30,2% cho biết đã sẵn sàng du lịch trong tháng 3 và tháng 4, vậy việc còn lại là các doanh nghiệp sẽ làm thế nào để làm thu hút khách hàng", bà Hương cho biết.
Cũng theo bà Hương, trước dịch Covid-19, người Việt Nam sẵn sàng chi trả từ 8-10 tỷ USD cho du lịch nước ngoài. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc đi du lịch nước ngoài bị ngưng trệ, các doanh nghiệp cần tìm cách khai thác triệt để nguồn tài chính này.
Để thúc đẩy du lịch trong năm 2021, bà Hương Trần Kiều Dung đưa ra 5 kiến nghị: Thứ nhất, cần phát động chương trình du lịch nội địa, kích cầu trong nước. Thứ hai là đề xuất thêm một ngày nghỉ có tên Ngày du lịch, bố trí sát các ngày nghỉ hiện tại để tăng thời gian lưu trú nhiều hơn.
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp du lịch cần đảm bảo sự an toàn cho khách, tăng cường dịch vụ và giảm chi phí. Thứ tư, nhân sự ngành du lịch hiện đã giảm 50% trong dịch, vì vậy cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để đào tạo lại đội ngũ. Thứ năm là các doang nghiệp cần chung tay kết nối tạo nên chuỗi du lịch độc đáo cho khách.
Đứng ở khía canh khác, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết hiện nay ngành du lịch cần thay đổi tổng thể phát triển. Cụ thể, du lịch Việt Nam không níu giữ được khách du lịch từng đến Việt Nam do dịch vụ ẩm thực chưa đủ hấp dẫn hoặc mang tính đặc trưng của vùng miền, quốc gia.
Yếu tố vui chơi giải trí, tham quan và trải nghiệm cũng chưa đủ phong phú để thỏa mãn khách du lịch. Như vậy, ngành cần chú trọng những yếu tố này. Du khách cần được trải nghiệm văn hóa địa phương hơn các hình thức giải trí hiện đại, quen thuộc trên toàn thế giới.
Ngoài ra, dịch vụ mua sắm nước ta còn có nhiều hạn chế. Ngành cần thúc đẩy các vật phẩm truyền thống như thêu, đồng... để làm nổi bật văn hóa Việt Nam với người dân cũng như du khách nước ngoài. Đồng thời, thiết kế đặc sản, mô hình du lịch riêng cho từng địa phương.
"Mỗi người, tổ chức, cơ quan cần kết nối chặt chẽ hơn để du lịch phát triển bền vững, tương tác đa chiều, thay vì doanh nghiệp lữ hành tìm kiếm khách hàng", ông Dũng khẳng định.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đề xuất một số giải pháp về vấn đề ẩm thực, nên làm nổi bật đồ ăn truyền thống, chọn lựa cửa hàng chất lượng để thỏa mãn đồ ăn cho du khách. Đồng thời, bên cạnh xây dựng khách hàng 5 sao, cần xây dựng nhiều hạng mức hơn để phục vụ nhiều đối tượng hơn. Về vui chơi giải trí, nên đa dạng các hoạt động, có thể nghĩ đến hoạt động vui chơi giải trí về đêm...
Về sản xuất, thu công mỹ nghệ tốt nhưng chất lượng không đồng đều. Mức giá không công bằng cho người sản xuất. Bộ văn hoá và các địa phương nên có chính sách để khuyến khích các làng nghề phát triển.
Về thắng cảnh, có rất nhiều, nhưng lại phát triển một cách tự nhiên, cần phải có bàn tay con người để tu tạo, bảo tồn. Ông bày tỏ kỳ vọng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho địa phương có ngân sách bảo tồn.