Tài nguyên độc nhất vô nhị
Công ty than Hòn Gai, Tập đoàn Than –Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa chính thức đóng cửa mỏ than lộ thiên 917 ở phường Hà Khánh, TP.Hạ Long sau hơn nửa thế kỷ khai thác, kể từ ngày tiếp nhận từ tay chủ mỏ Pháp năm 1955.
Hiện trường hiện nay là một moong than sâu khoảng 160m so với mực nước biển. Đáy moong nước vẫn mênh mông bởi nước mưa và nước từ một số nguồn khác vẫn đổ về, khiến hệ thống máy bơm vẫn phải hoạt động dù các hoạt động khai thác than đã chấm dứt.
Muốn xuống được đáy moong, nếu không có xe chuyên dụng thì ít nhất cũng phải dùng xe bán tải, đi xoáy hình trôn ốc.
Mỗi năm, thậm chí hàng quý, hình dáng của moong than có sự thay đổi do khai thác hết vỉa này thì chuyển sang vỉa khác. Hàng triệu khối đất, đá được bốc xúc và chở đi trên những chiếc xe siêu trường, siêu trọng, bò trên những cung đường xoáy trôn ốc…
Chỉ có điều, mỗi ngày một xuống sâu hơn dưới lòng đất. Anh cán bộ kỹ thuật chỉ về phía xa ở trên cao, cho biết, vẫn còn những di tích của quá trình khai thác than của người Pháp ở đó nhưng giờ nằm sâu trong đất.
Từ dưới đáy moong nhìn lên hay từ trên cao nhìn xuống đáy moong, đâu cũng thấy một vẻ đẹp kỳ vĩ, rồi những câu chuyện về ngành than, đặc biệt là sức sáng tạo, công hiến tâm - sức của các thế hệ thợ mỏ để đem về “vàng đen” cho Tổ quốc.
Với những người làm du lịch, những thứ đó chính là nguồn tài nguyên cực kỳ quý hiếm để có thể tạo nên những sản phẩm có một không hai ở Việt Nam.
Mà nguồn tài nguyên không đụng hàng đó lại khá dồi dào ở Quảng Ninh, từ Uông Bí cho tới Hạ Long và Cẩm Phả.
Riêng tại Hạ Long, ngoài moong 917 đã dừng khai thác thì còn có moong than của Công ty CP than Núi Béo, nằm ở phường Hà Tu.
Sâu và lớn hơn thì có moong than của Công ty CP than Hà Tu cũng ở gần đó, nhưng vẫn đang được khai thác, dự kiến đến hết năm 2028 mới dừng hoạt động.
Số lượng các mỏ than khai thác lộ thiên ở TP.Cẩm Phả nhiều hơn và lớn hơn, trong đó có những mỏ sâu tới khoảng 300m so với mực nước biển. Tuy nhiên, hầu hết vẫn đang được khai thác.
Chưa kể, số lượng các mỏ than khai thác hầm lò của TKV tại Quảng Ninh còn lớn hơn nhiều so với các mỏ than lộ thiên.
Bao giờ “đánh thức” tài nguyên?
Năm 2006, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Quảng Ninh phối hợp với một số Cty lữ hành mở thí điểm tour tham quan công trường khai thác than lộ thiên của Công ty CP than Hà Tu, TP.Hạ Long. Tuy nhiên, việc thí điểm rất ngắn rồi sau đó dừng hẳn cho đến nay bởi nhiều lý do.
Vấn đề an toàn là yếu tố chính khiến tour này không thể tiếp tục và, theo những người trong cuộc, cũng sẽ rất khó mở ra bởi lợi nhuận đối với các công ty than chẳng đáng là bao trong khi lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn.
Theo đại diện một số công ty lữ hành, nếu như ở thời điểm đó, việc thí điểm đưa du khách vào mỏ than lộ thiên đang khai thác thì còn có thể có những lo ngại về vấn đề môi trường, an toàn, nhưng hiện đã có một số mỏ dừng hoạt động thì có thể nghiên cứu mở tour.
Cũng theo đại diện các công ty lữ hành, giá cho một tour tham quan mỏ than không phải là vấn đề đối với nhiều du khách, bởi họ luôn mong muốn có những trải nghiệm đặc biệt, thay vì chỉ tham quan vịnh Hạ Long với những sản phẩm cũ kỹ.
Thậm chí, trên bờ, vẫn cơ bản là những sản phẩm cũ, hoặc có thêm thì không phải là những sản phẩm đặc biệt, đặc thù của Hạ Long.
Việc mở thêm các sản phẩm độc nhất vô nhị như các moong than đã dừng hoạt động không chỉ là không để lãng phí nguồn tài nguyên, mà còn giúp thu hút khách, giữ chân du khách và kéo du khách trở lại.
Không chỉ là các moong than, mà các công trình, không gian liên quan đến ngành than tại Hạ Long cũng có thể trở thành những sản phẩm mà không nơi đâu có được.
Đó là trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ, được xây dựng năm 1888, hiện là Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh của TKV, tại phường Hồng Gai, TP.Hạ Long; hay các biệt thự cổ từng là nơi ở của các chủ mỏ người Pháp và hệ thống nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp ở gần đó.