Hội thảo được diễn ra trực tiếp tại Nghệ An, và kết nối trực tuyến tới 19 điểm cầu các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch trong cả nước, đồng thời phát trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến, với sự tham gia của gần 200 đại biểu là đại diện các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức có liên quan đến du lịch trong nước và quốc tế. Hội thảo cung cấp bức tranh cụ thể, bao quát hơn thực trạng Du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch COVID-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với Du lịch Việt Nam; hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật; xu hướng, giải pháp phục hồi du lịch; công nghệ số; sản phẩm mới nhằm thích ứng phục hồi phát triển du lịch…
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, Hội thảo Du lịch 2021 “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển” được tổ chức trong bối cảnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có nhiều tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn thế giới, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại Việt Nam, Du lịch được Đảng và Nhà nước quan tâm ban hành nhiều chủ trương chính sách để định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới, khách du lịch trong nước và quốc tế và tổng thu từ du lịch liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của cả nước; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch COVID-19 trong gần 2 năm qua, Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, thị trường và hoạt động du lịch bị đứt gãy, mục tiêu của ngành không đạt được các chỉ tiêu, chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng. Vì thế, Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu, đề xuất những giải pháp căn cơ để phục hồi du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là biến cố chưa từng có đối với ngành Du lịch toàn cầu cũng như đối với Du lịch Việt Nam. Do vậy, những vấn đề liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới và trong tương lai là vô cùng cấp thiết để Du lịch Việt Nam nhanh chóng hòa mình vào xu thế chung của thế giới, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch toàn cầu. Để kịp thời nắm bắt xu thế và thích ứng linh hoạt, một số vấn đề đặt ra để phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh mới được xác định là: vấn đề kiểm soát dịch bệnh, vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp, vấn đề nhân lực du lịch, vấn đề xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách, và vấn đề chất lượng sản phẩm.
Để Du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề xuất một số giải pháp: (1) Tập trung chương chương phục hồi và phát triển du lịch trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 – 2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; (2) Cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành Du lịch để vượt qua khó khăn, giảm bớt sự tan rã của hệ thống đã được củng cố từ nhiều năm nay; (3) Chỉ đạo ban hành các cơ chế chính sách mới, ưu tiên theo hướng tạo thuận lợi cho ngành Du lịch để tiếp tục phát triển về hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đếnViệt Nam; cho phép thành lập các đại diện văn phòng du lịch ở nước ngoài để thu hút đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch về đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững; (4) Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới; thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo phục vụ trong liên kết, hợp tác với các doanh nghệp, trong sáng tạo để đưa ra giải pháp cho các công nghệ để phục vụ du lịch an toàn; (5) Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới, tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn, triển khai ra soát các chương trình đào tạo du lịch cho nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Hội thảo gồm hai phiên: Phiên chuyên đề và phiên toàn thể. Tại phiên chuyên đề, các đại biểu tập trung thảo luận về xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng COVID-19 để phát triển du lịch với các tham luận của các địa phương và các doanh nghiệp. Phiên toàn thể sẽ có sự hiện diện và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ; đồng thời, tại phiên này các đại biểu sẽ tập trung thảo luận những vấn đề chung, những định hướng cho sự phát triển của ngành Du lịch.