Phục hồi và phát triển bền vững
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, du lịch là ngành công nghiệp không khói, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm được nhiều chi phí, mang lại lợi ích lâu dài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước… luôn được xem là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhưng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó hoạt động du lịch gần như bị “đóng băng”, các chỉ số tăng trưởng của ngành Du lịch bị sụt giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động…Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nhanh chóng đón bắt xu thế sớm có chính sách, biện pháp mở cửa, phục hồi du lịch để tạo sức bật của lực cầu trong nước.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030, ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Hội thảo sẽ tiếp tục: (1) Có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành Du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới. (2) Cần làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới. (3) Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới; đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững. (4) Các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước; tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường.
Đề cập về du lịch nói chung, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến 2 vấn đề: chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có chất lượng đẳng cấp quốc tế; và du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng; có sự liên kết, liên doanh, kết nối giữa các cộng đồng du lịch và sự vào cuộc của chính quyền địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, cần số hóa nguồn tài nguyên về du lịch, trong đó đặc biệt là nguồn tài nguyên về văn hóa. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, cần kiểm soát dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất và trong thời gian đó sẽ chuẩn bị sẵn sàng mọi hành động để trở lại khi môi trường về dịch bệnh đã có dấu hiệu an toàn.
Chia sẻ về bối cảnh của Du lịch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành Du lịch đã có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Du lịch quốc tế nói chung và Du lịch Việt Nam nói riêng đều sụt giảm nghiêm trọng.
Trước diễn biến đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, trong bối cảnh hiện tại thích ứng an toàn linh hoạt, các ngành, các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại với những chính sách về thuế, phí, tín dụng, an sinh xã hội được ban hành áp dụng ngay tại thời điểm bị tác động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch còn được hưởng những chính sách đặc thù như: giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch, giảm 50% phí thẩm định cấp phép lữ hành, giảm 80% tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành, rút ngắn thời gian nhận tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống còn 30 ngày, hỗ trợ đối với hướng dẫn viên du lịch… Tuy nhiên, từ khi chính sách được ban hành tới khi thực thi vẫn còn những vướng mắc dẫn đến hiệu quả thực thi chính sách chưa đạt yêu cầu.
Trong thời điểm hiện nay, du khách có thiên hướng đi theo nhóm nhỏ với bạn bè và gia đình; tìm đến những khu nghỉ dưỡng chất lượng, an toàn, tách biệt, gần gũi thiên nhiên, ít tiếp xúc và ngày càng dựa vào công nghệ để thực hiện chuyến đi theo ý muốn. Cùng với đó, xu hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và trải nghiệm du lịch ngày càng phổ biến; dịch vụ trực tuyến, du lịch thông minh sẽ dần thay thế nhiều công đoạn dịch vụ truyền thống; vai trò của trung gian lữ hành ngày càng giảm khi khách có thể tiếp cận dịch vụ trực tuyến, tự sắp xếp chuyến đi; du lịch vắc xin kèm những điều kiện an toàn về y tế được dự báo sẽ trở thành thói quen du lịch mới. Do đó, đòi hỏi mỗi chủ thể trong ngành Du lịch phải đổi mới tư duy và cách làm du lịch thích ứng kịp với xu hướng mới nhằm kết nối lại chuỗi cung ứng, khơi thông lại thị trường và tạo dng niềm tin, sự an tâm cho du khách. Đây cũng là cơ hội khi toàn ngành đang thực hiện cơ cấu lại theo Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong thời gian tới, để phục hồi ngành Du lịch an toàn, hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số nhiệm vụ: (1) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp vươn lên trong thời gian tới. (2) Chính quyền các cấp cần phát huy dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển du lịch. Do đó, cần xây dựng kế hoạch chi tiết trên cơ sở sơ kết việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế, trên cơ sở đánh giá về thực trạng du lịch dưới tác động của COVID-19 để có kế hoạch có tính khả thi cao nhất. (3) Số hóa du lịch là yêu cầu có tính chất bắt buộc để phân tích thị trường, dự báo đề cập đến các xu hướng du lịch để thích ứng trong điều kiện bình thường mới. (4) Phục hồi du lịch gắn liền với sản phẩm du lịch nên mỗi địa phương cần có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và phải biết kết nối các sản phẩm du lịch để tạo ra một chuỗi tour, tuyến phù hợp, an toàn. (5) Phát triển du lịch phải đảm bảo an toàn yêu cầu phòng chống dịch bệnh (6). Tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực nòng cốt, Xây dựng các gói sản phẩm du lịch phù hợp để thu hút du khách.
Để phát triển du lịch nhanh, mạnh và bền vững
Tổng Thư ký Tổ chức Du lịch thế giới Zurab Pololikashvili nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy du lịch trải nghiệm độc đáo, chân thực để khách du lịch có thể cảm nhận và hiểu rõ được điểm đến. Điều này mang lại cơ hội cho các điểm đến có thể đa dạng hóa các sản phẩm như: ẩm thực, du lịch mạo hiểm. Đây cũng là cơ hội để Du lịch Việt Nam khai thác nhu cầu du lịch nội địa, giúp du lịch nội địa tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Việt Nam cũng có nhiều thế mạnh thể hiện là điểm đến an toàn, do vậy, công tác tiếp thị và xây dựng thương hiệu sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với nhiều thị trường du lịch mới và thu hút du khách quốc tế trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, du khách luôn đòi hỏi trải nghiệm du lịch bền vững nên các điểm đến và doanh nghiệp cần phải nghiêm túc hành động, hiệu quả để mang lại giá trị sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn và bền vững.
Để phát triển du lịch một cách nhanh, mạnh và bền vững, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: ngành Du lịch cần chuẩn bị một lực lượng lao động có chất lượng cao để đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành một cách nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tiêu biểu, có chất lượng, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh, trong đó cần phát triển những sản phẩm có sự khác biệt dựa trên tiềm năng và lợi thế của ngành Du lịch Việt Nam là văn hóa và du lịch gắn với thiên nhiên. Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của ngành để có những sản phẩm có thể kết nối giữa các điểm du lịch với các thị trường khách du lịch. Đồng thời, quan tâm hoàn thiện các thể chế, cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của ngành.
“Để Du lịch Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững, có sức cạnh tranh với các nước đối thủ, ngành Du lịch cần rà soát lại các văn bản có liên quan đến việc thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại nước ngoài; quan tâm đến cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt là vấn đề liên quan đến visa; đồng thời, tăng cường công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm tạo nên những sản phẩm du lịch một cách bền vững” – Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Nhận thức rõ về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành Du lịch Hà Nội xác định mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 là: “Đổi mới, cơ cấu lại, tạo bước tăng trưởng phát triển toàn diện ngành Du lịch cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng dịch vụ, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch Thủ đô theo hướng chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo tính bền vững, phát huy vai trò trung tâm phân phối khách lớn của khu vực phía Bắc và cả nước”. Để đạt được mục tiêu nêu trên, những giải pháp quan trọng mà ngành Du lịch Hà Nội cần phải ưu tiên thực hiện, đó là tăng cường đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng du lịch; đa dạng hóa các loại hình đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch; tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng cho các dự án đầu tư hạ tầng, kỹ thuật du lịch…, qua đó tạo nền tảng, tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch Thành phố.
Bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh nhận thức rằng, việc khôi phục và hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng không chỉ với ngành Du lịch mà còn giúp nhiều ngành khác khôi phục trở lại, đặc biệt là chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ. Việc khôi phục của ngành Du lịch Thành phố không chỉ có ý nghĩa với kinh tế Thành phố mà còn gắn liền với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước và ngành Du lịch Việt Nam. Từ nhận thức đó, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh bùng phát nhất, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp du lịch ổn định. Bên cạnh đó, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh vừa duy trì hoạt động cơ bản vừa tham gia công tác phòng chống dịch bệnh. Song song đó, TP. Hồ Chí Minh luôn chuẩn bị cho việc tổ chức lại hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã triển khai mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch bằng việc hoàn thiện vận hành các website quảng bá du lịch, hoàn thiện phần mềm du lịch…, liên kết với các sàn giao dịch điện tử để quảng bá du lịch, kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch trên địa bàn Thành phố. Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng triển khai nhiều giải pháp phục hồi, từng bước mở cửa trở lại, nhanh chóng chuyển từ trạng thái đóng cửa chống dịch sang chủ động thích ứng, an toàn, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh COVID-19; đồng thời, luôn đổi mới sáng tạo và hướng đến tương lai; tìm kiếm giải pháp, bạn hành chính sách kịp thời nhằm duy trì và phục hồi ngành Du lịch để Du lịch Thành phố phục hồi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, làm động lực để phục hồi hoạt động du lịch của cả nước.