Kết nối, liên kết du lịch với các tỉnh khu vực phía Bắc

Thứ Năm, 23/11/2023 21:21
Năm Du lịch 2024, cùng với việc làm mới, đa dạng các sản phẩm nhằm thu hút du khách, tỉnh Quảng Bình chú trọng kết nối, liên kết trong phát triển du lịch với các tỉnh khu vực phía Bắc (gồm 8 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Bình, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế).
Toàn cảnh xã Tân Hóa, huyện Miền núi Minh Hóa- nơi đây giờ trở thành một Địa điểm du lịch lý tưởng. Ảnh: Mạnh Thành/TTXVN

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết, năm 2023, Sở và các tỉnh khu vực phía Bắc đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm phục vụ nhân dân và du khách. Qua đó, tạo sự liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, mang đến những sản phẩm hấp dẫn, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho du khách, góp phần quảng bá nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực và danh lam thắng cảnh của từng địa phương.

Bên cạnh đó, Quảng Bình đã triển khai các hoạt động liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch với các địa phương như: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và các Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch trong cả nước; nghiên cứu, khai thác thị trường khách từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tại vùng trọng điểm kinh tế miền Trung. Năm 2023, tỉnh ước đạt hơn 4,5 triệu lượt khách (gấp 2,2 lần so với năm 2022), tổng doanh thu ước hơn 5.085 tỷ đồng.

Thời gian tới, tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch, phát triển Bản đồ số thuộc dự án “Xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin phục vụ du lịch trên hệ sinh thái du lịch thông minh” với các nội dung thuyết minh, hình ảnh, video trực quan, sinh động gắn liền với các điểm du lịch đặc trưng. Đồng thời, tỉnh công bố các sự kiện, hoạt động nổi bật đang hoặc sắp diễn ra trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự thuận tiện cho khách du lịch khi muốn tìm hiểu về các danh lam thắng cảnh địa phương.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đánh giá, các địa phương có thế mạnh về du lịch đã nâng cao chất lượng điểm đến, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh phát triển sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh… với mục tiêu mỗi địa phương đều có điểm nhấn riêng, tạo dựng hình ảnh thương hiệu du lịch hấp dẫn; đồng thời, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, có chính sách thu hút lao động du lịch quay trở lại làm việc, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để phục hồi du lịch. 

Tuy nhiên, tại Quảng Bình và một số địa phương các tỉnh phía Bắc, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch của một bộ phận người dân còn hạn chế; còn tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách diễn ra ở một vài nơi. Việc thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết chưa nghiêm túc, vẫn còn tình trạng gian lận trong buôn bán, đặc biệt tại các nhà hàng, quán ăn không đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Nguồn: Báo Tin tức

Tin khác