Xu hướng, thách thức và cơ hội của Du lịch Việt Nam
Đề cập đến những xu hướng, thách thức và cơ hội của Du lịch Việt Nam trong thời kỳ hậu COVID-19, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure Nguyễn Châu Á cho rằng, với tiềm năng và lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa lịch sử, Du lịch Việt Nam có thể có những sự phát triển nhanh chóng, thu hút được sự quan tâm của khách du lịch quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao. Hiện nay, sản phẩm du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới” là sản phẩm du lịch nổi bật và là một trong những thương hiệu du lịch quốc gia nổi bật của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Hiệu ứng từ Hang Sơn Đoòng cũng góp phần thúc đẩy phát triển Du lịch Quảng Bình. Đặc biệt, hang Sơn Đoòng còn góp phần quảng bá thúc đẩy và thu hút các nhà đầu tư lớn đến Quảng Bình như FLC, Vingroup…và nhiều nhà đầu tư lớn khác. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tạo ra được nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế mà bất cứ du khách nào trên thế giới cũng muốn đến một lần trong đời. Đây vừa là điểm yếu nhưng cũng là cơ hội cho Việt Nam phát triển các loại hình du lịch mới nhằm định vị Việt Nam khác biệt so với các quốc gia láng giềng. Do vậy, để phục hồi và tăng trưởng Du lịch Việt Nam hậu COVID-19, cần định vị lại vị thế và thế mạnh của Du lịch Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp các xu thế công nghệ hiện nay. Công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch cần tạo ra các quy chế liên quan đến hoạt động du lịch một cách đồng bộ, thuận lợi giúp cho du lịch hồi phục trở lại. Ngoài ra, để phát triển du lịch cần có sự đồng bộ hóa về hạ tầng kỹ thuật, chính sách phát triển của du lịch và các ngành nghề liên quan đặc biệt là ngành dịch vụ và các ngành kinh tế bổ trợ.
Gỡ “nút thắt” cho ngành Du lịch
Đề xuất chính sách cần nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để sớm phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ chia thành 4 nhóm chính sách: nhóm chính sách chung, nhóm chính sách về tín dụng, nhóm chính sách về hỗ trợ kích cầu, và nhóm hỗ trợ nguồn nhân lực trong ngành.
Về nhóm chính sách chung, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất: Để khôi phục các hoạt động du lịch nội địa hiệu quả, cần hoàn thành nhanh việc tiêm vaccine đủ 2 mũi cho ít nhất 70% người dân từ 18 tuổi và người lao động trong ngành Du lịch tại các điểm đến; bảo đảm các điều kiện về hạ tầng y tế, nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch; đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để xử lý sự cố phát sinh; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc đón khách du lịch và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, trong đó tập trung cho công tác phục hồi giao thông vận tải.
Triển khai chương trình thí điểm thẻ thông hành xanh ở Việt Nam là một giải pháp hiệu quả không chỉ với du lịch mà còn có thể tháo “nút thắt” cho nhiều ngành khác như thương mại, vận tải, hàng không, dịch vụ, thể thao, văn hóa… Do vậy, ngành Du lịch cần nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ thẻ thông hành xanh trên cả nước.
Liên quan đến nhóm chính sách về tín dụng, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất, Chính phủ cần coi doanh nghiệp là “đối tác đồng hành, không nên coi là đối tượng”. Những chính sách hỗ trợ cần thủ tục thông thoáng để doanh nghiệp dễ dàng trong quá trình triển khai các hoạt động; đồng thời, cần phải tin tưởng vào doanh nghiệp và giao trực tiếp cho doanh nghiệp hỗ trợ người lao động.
Đối với nhóm hỗ trợ về kích cầu, ôngNguyễn Quốc Kỳ đề xuất có chính sách hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng, khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhằm hỗ trợ kích cầu du lịch chung cho toàn ngành.
Ông Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho rằng, Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều địa phương, nên rất cần có chính sách thống nhất của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý, tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch, nhất là ở các địa bàn khó khăn; đồng thời giúp quản lý chặt chẽ các nguồn lực, tài nguyên của đất nước. Do vậy, Chính phủ cần xem xét ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, về đầu tư cho các doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ và phát triển di sản văn hóa gắn với hoạt động du lịch; cần sớm có cơ chế, chính sách và quy định hướng dẫn cụ thể về mô hình hợp tác công - tư, nhà nước làm gì?, doanh nghiệp làm gì?, cơ chế điều tiết các nguồn thu như thế nào để đảm bảo lợi ích của các bên?; đề cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, quảng bá phát triển thương hiệu du lịch, đồng thời cần quan tâm dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác nghiên cứu thị trường, hoạch địch chiến lược và tổ chức các hoạt động quảng bá quy mô quốc gia ở các thị trường khách quốc tế lớn.
Đề cập đến cơ chế chính sách để phục hồi và phát triển du lịch TP. Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng được xác định là một trong 3 trụ cột chính theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhàn 2045. Thời gian qua, Du lịch Đà Nẵng đã định vị được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới. Mặc dù đã triển khai và thực hiện nhiều chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy du lịch nhưng trước tác động của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến chỉ tiêu tăng trưởng của thành phố, nhiều thách thức đặt ra với Du lịch TP. Đà Nẵng. Do vậy, để tiếp tục có giải pháp hỗ trợ ngành Du lịch phục hồi và phát triển, cần rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến du lịch; sớm ban hành cơ chế cho đầu tư phát triển du lịch để thúc đẩy đầu tư vào du lịch, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho các điểm du lịch như sân bay, cảng biển, bến tàu...; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và du lịch nông nghiệp nông thôn; sớm ban hành một số cơ chế đột phá thí điểm phát triển du lịch; bố trí nguồn vốn nâng cấp, hình thành hệ thống đường cao tốc nối Đà Nẵng và các địa phương trong vùng và kết nối với các cửa khẩu; đơn giản hóa việc cấp thị thực vào Việt Nam và đẩy mạnh miễn thị thực cho phép khách từ thị trường trọng điểm để tăng khả năng cạnh tranh với các điểm đến quốc tế trong khu vực.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, để phục hồi và phát triển du lịch cần quan tâm đến 3 yếu tố: “an toàn”, “mở”, “đồng bộ”. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành cùng ngành Du lịch để có điểm đến an toàn cho người dân, cho du khách và tạo niềm tin về an toàn cho du khách quay trở lại.
Bên cạnh đó, còn nhiều giải pháp được đề xuất như: chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đối với các doanh nghiệp, cộng đồng và người tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng; chính sách thuế và tín dụng sẽ trở thành đòn bẩy của kinh tế để thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển; đặc biệt, cần có chiến lược ứng phó rủi ro khủng hoảng trong hoạt động du lịch; nhất quán từ chính sách, chủ trương, chỉ đạo cho đến hành động thực tế ở các địa phương trong việc mở cửa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai hoạt động. Bên cạnh đó, chính sách tạo thuận lợi cho khách du lịch cũng góp phần tăng vị thế cạnh tranh cho du lịch…
Buổi chiều cùng ngày, Hội thảo sẽ tiếp tục với phiên toàn thể, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận những vấn đề chung, những định hướng cho sự phát triển của ngành Du lịch.