Đặc biệt, Sở sẽ triển khai “Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội” năm 2021 và các sự kiện kích cầu nội địa, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tổ chức các chương trình khuyến mại, hội chợ Tết phù hợp phục vụ nhu cầu mua sắm cuối năm của người dân.
Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan tiếp tục giới thiệu đầu mối, nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh đến hệ thống phân phối, chợ dân sinh, cửa hàng trên địa bàn Hà Nội; hỗ trợ các tỉnh tổ chức điểm bán sản phẩm tại Hà Nội trong thời điểm thích hợp; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh để chủ động nắm nguồn cung mặt hàng thiết yếu và sẵn sàng đưa về Hà Nội để đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong dịp Tết của nhân dân Thủ đô.
Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố năm 2021 và chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai; chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, điều phối hàng hóa phục vụ nhân dân; bám sát diễn biến thực tế cung-cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể bị mất cân đối cung-cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời tham mưu UBND thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương có biện pháp xử lý kịp thời.
“Trong bối cảnh dịch bệnh, chúng tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định đối với hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại và khuyến mại trên địa bàn Thành phố gắn với yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng, sở, ngành, quận, huyện, thị xã kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, công tác quản lý giá… Đây cũng là vấn đề quan trọng trong dịp cuối năm và trước Tết Nguyên đán.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển hàng hóa, Sở Công Thương đã hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm an toàn sản xuất; hướng dẫn quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; quy trình đóng cửa, ngừng hoạt động và mở cửa trở lại đối với các điểm bán hàng khi xuất hiện trường hợp F0.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở cũng đã ban hành bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội và các hướng dẫn về thực hiện quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dân cần tự giác tuân thủ nghiêm nguyên tắc “5K”, khai báo bằng mã QR khi đến các điểm mua sắm, luôn nâng cao ý thức cảnh giác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Hỗ trợ 10.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội vừa có thông báo về việc hỗ trợ 10.000 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Đối tượng đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt bao gồm: Bản thân hoặc gia đình có người thân (vợ, chồng, con) gặp tại nạn rủi ro, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau phải điều trị dài ngày, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, thu nhập thấp do đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bị ảnh hường dịch bệnh COVID-19...
Mức hỗ trợ là 1 triệu đồng/người với tổng kinh phí là 10 tỷ đồng.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến Hà Nội sẽ chi khoảng 200 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Kinh phí trích từ nguồn tài chính công đoàn, xã hội hóa, ngân sách địa phương.
Công đoàn Hà Nội cũng hỗ trợ 50% kinh phí thuê xe, phương tiện đưa công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết.