Toàn cảnh tọa đàm Doanh nghiệp với Di sản Mỹ Sơn |
Tại buổi tọa đàm, ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn nhấn mạnh, từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào tháng 12/1999 và được sự trợ giúp của chính quyền và ngành chức năng, sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là sự nhập cuộc của các doanh nghiệp lữ hành, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã trở thành điểm đến thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan mỗi ngày và trở thành hạt nhân của ngành Du lịch Quảng Nam. Qua 20 năm kể từ khi trở thành Di sản văn hóa thế giới, tốc độ phát triển du lịch Mỹ Sơn không ngừng tăng cao. Cùng với đó, hạ tầng, dịch vụ, nguồn nhân lực… từng bước được đầu tư hoàn thiện. Đặc biệt, việc tạo cơ chế, chính sách hợp lý về sử dụng nguồn thu đã giúp công tác quản lý phát triển du lịch Mỹ Sơn thuận lợi. Dù vậy, phát triển du lịch Mỹ Sơn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sẵn có; chất lượng dịch vụ chưa đa dạng; công tác quảng bá còn hạn chế... Trong vài năm gần đây, bình quân mỗi năm Khu đền tháp Mỹ Sơn đón trên 350 nghìn lượt khách, doanh thu từ hoạt động dịch vụ đạt gần 60 tỷ đồng nhưng con số này vẫn khá khiêm tốn.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam Phan Xuân Thanh chia sẻ, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn là tiềm năng vô giá, là sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Quảng Nam trong hành trình Di sản miền Trung. Tuy nhiên để Di sản phát huy được giá trị một cách bền vững thì cần có sự kết nối, chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp lữ hành và người dân địa phương. Mặt khác, hạ tầng hỗ trợ cho du lịch Mỹ Sơn nói riêng và hạ tầng cho du lịch sinh thái, du lịch văn hóa của tỉnh Quảng Nam nói chung cần được đầu tư đồng bộ hơn mới có khả năng thu hút được ngày càng nhiều khách du lịch có chất lượng đến tham quan.
Chia sẻ những băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp lữ hành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân nhấn mạnh, để khai thác bền vững tiềm năng Di sản Mỹ Sơn luôn cần có sự đồng hành của doanh nghiệp với cộng đồng và chính quyền địa phương. Tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần chung tay xây dựng và gìn giữ thương hiệu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, tạo sự liên kết sản phẩm du lịch, nâng tầm giá trị sản phẩm, hướng tới phát triển du lịch bền vững và thân thiện.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến doanh nghiệp lữ hành đã chỉ ra những hạn chế trong phát triển du lịch của Mỹ Sơn. Đồng thời đề xuất các giải pháp như đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tăng cường liên kết giữa đơn vị quản lý với công ty lữ hành; xúc tiến quảng bá; mở rộng không gian du lịch cộng đồng nhằm thu hút khách đến Mỹ Sơn ngày càng nhiều hơn trong thời gian tới.