Những tín hiệu vui
Chương trình biểu diễn Hồn Việt tại nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh giới thiệu những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng là một trong những trải nghiệm mới của du khách khi tới Đà Nẵng. Năm 2019, dịch vụ homestay tại làng Văn hóa Cơ Tu (Hòa Bắc) được khai trương. Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội Ẩm thực quốc tế được tổ chức với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật nấu ăn, thưởng thức ẩm thực xứ Quảng… tạo được tiếng vang. Theo Báo cáo số 270/BC-UBND về thực trạng và giải pháp phát triển đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng của UBND Thành phố, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng lượng khách tham quan du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2010-2019 ước đạt 18,6%, trong đó khách quốc tế ước đạt 27%, khách nội địa ước đạt 15,2%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng thu du lịch Đà Nẵng giai đoạn 2010-2019 ước đạt 27,4%.
Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú du lịch phục vụ ước đạt gần 4,6 triệu lượt, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế ước đạt trên 2,3 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ, khách nội địa ước đạt trên 1,8 trệu lượt, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch trong GRDP ước đạt 25% trong năm 2019.
Thị trường khách du lịch đến Đà Nẵng ngày càng đa dạng, trong đó thị trường khách quốc tế trọng điểm gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, và gần đây là thị trường Thái Lan đang có dấu hiệu tăng trưởng khá, các thị trường châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ có sự khởi sắc… thông qua việc mở nhiều đường bay mới. Đồng thời nguồn khách nội địa cũng đang được khai thác mở rộng sang tác tỉnh, thành Tây Bắc và Tây Nguyên bên cạnh thị trường chính là Hà Nội và Tp. HCM. Tuy nhiên, trước sự tăng trưởng nóng về số lượng khách, Du lịch Đà Nẵng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa có cơ chế chính sách đặc thù dành cho du lịch; đội ngũ nhân lực du lịch đã được quan tâm tập huấn, bổ sung nhưng chưa đủ đáp ứng với tình hình phát triển du lịch quá nhanh hiện nay; các doanh nghiệp lữ hành có quy mô vừa và nhỏ, thiếu năng lực cạnh tranh; Công tác phối hợp giữa các ngành, giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hay tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, các địa phương khác trong vùng còn hạn chế, chưa có tính đồng bộ...
Ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chính
Du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch mua sắm, hội nghị hội thảo (MICE), du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng nghề và du lịch đô thị, gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực; đa dạng hóa các sản phẩm bổ trợ gồm du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh – làm đẹp… là những nhóm sản phẩm được ngành Du lịch Đà Nẵng tập trung khai thác trong thời gian tới.
Đối với du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, chính quyền Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai các dự án như Khu du lịch Làng Vân, Trung Thủy, Trung tâm thuyền buồm quốc tế tại Đà Nẵng… bên cạnh việc phát triển các hoạt động thể thao giải trí biển tiêu chuẩn quốc tế như lặn ngắm san hô, vịnh phao nổi, đi bộ dưới biển, ván bay, tàu lặn, các khu nghỉ dưỡng ven biển cao cấp 5 sao…
Đầu tư các trung tâm thương mại quy mô quốc tế, xây dựng trung tâm thương mại miễn thuế, khu vực mua sắm gần bãi biển cũng như quy hoạch và phát triển địa điểm trưng bày sản phẩm lưu niệm của Thành phố… được xem là cách phát triển du lịch mua sắm. Với các hoạt động vui chơi giải trí, Đà Nẵng sẽ đầu tư các công viên giải trí đẳng cấp quốc tế, khu trò chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài, show diễn nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn Đà Nẵng. Đặt mục tiêu thu hút đăng cai các hội nghị, sự kiện mang tầm thế giới đem lại giá trị thương hiệu và hiệu quả cao, ngoài việc thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm hội nghị lớn, Đà Nẵng khuyến khích các dịch vụ phụ trợ cho du lịch MICE như tổ chức sự kiện, âm thanh ánh sáng, dịch thuật, biểu diễn nghệ thuật, team building, … Đối với du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái, làng quê, làng nghề, Đà Nẵng sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp các di tích quốc gia như Hải Vân Quan, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, Thành Điện Hải, Khu căn cứ cách mạng K20, Bảo tàng Đà Nẵng…, gắn kết bổ sung dịch vụ tại Bảo tàng Chăm như trình diễn nghệ thuật Chăm, tổ chức học múa Chăm, tái hiện khung cảnh của người Chăm… với tôn tạo phế tích tháp Chăm tại làng Phong Lệ, hình thành chuỗi tham quan tìm hiểu về văn hóa Chăm tại Đà Nẵng… Với dòng sản phẩm này, hướng bảo tồn, nâng tầm quy mô các lễ hội văn hóa dân gian như Lễ hội Quán Thế Âm, cầu ngư, đình làng Hải Châu, đình làng Túy Loan… cũng được đưa ra nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách. Ngoài ra còn ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng làng dân tộc Cơ Tu tại huyện Hòa Vang, làng nước mắm Nam Ô, làng Túy Loan… với các dịch vụ homestay, tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tiễn cho du khách (làm nông, ngư dân, nấu ăn, nhảy múa, chăm sóc vật nuôi…) kết hợp tham quan, tìm hiểu văn hóa địa phương.
Các tour du lịch đô thị, du lịch đường thủy, du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe… cũng được kêu gọi đầu tư. Để tháo gỡ “nút thắt” thiếu các trải nghiệm về đêm cho du khách, Thành phố cũng đã lên kế hoạch bổ sung các tiện ích, dịch vụ giải trí, đặc biệt là giải trí đêm như show diễn, phố đêm, các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của khu, điểm phục vụ du khách. Thậm chí đặt mục tiêu hình thành trải nghiệm bãi biển “không ngủ” tại Đà Nẵng với đa dạng dịch vụ vui chơi, giải trí, hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.