Cùng tên gọi như cơm tấm Sài Gòn, thế nhưng cách chế biến, trình bày và hương vị của cơm tấm Long Xuyên lại có phần khác biệt hơn hẳn.
Đầu tiên chính là hạt tấm. Nếu đa phần cơm tấm ở Sài Gòn hoặc nhiều nơi khác đều là loại hạt to, thì cơm tấm ở Long Xuyên có hạt tấm nhuyễn hơn, nhỏ hơn. Người dân địa phương còn gọi là tấm mẳn hay tấm nhang. Khi ăn, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được độ tơi của cơm, vị ngọt nhẹ khá đặc trưng của loại gạo này.
Phần đồ ăn đi kèm của cơm tấm Long Xuyên cũng có nhiều khác biệt. Không phải miếng sườn to đẫy đà hay miếng chả thơm béo, cơm tấm Long Xuyên nổi bật với thịt được thái mỏng cùng bì, trứng kho được cắt nhỏ để trên đã. Cuối cùng, đĩa cơm sẽ hoàn thiện hơn với mỡ hành, dưa chua ăn kèm cùng nước mắm.
Vì mọi thứ đã được cắt nhỏ nên quán chỉ phục vụ muỗng mà không có nĩa hay đũa. Khách chỉ cần chan nước nắm lên cơm, trộn đều lại rồi thưởng thức. Mọi thứ hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên.
Nếu có dịp đến đây du lịch, hãy thử ghé đến một số quán nổi tiếng như: cơm tấm Cây Điệp, cơm tấm Cô Tư, cơm tấm Tùng, cơm tấm Tám Diệu, quán Cô Tấm… để thưởng thức món ăn đặc biệt này nhé.