Theo ông, Chính phủ cần có các chính sách mạnh hơn nữa để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp thúc đẩy phục hồi kinh tế?
GS. TS Hoàng Văn Cường: Qua 2 năm chống dịch, sức chống chịu của nền kinh tế đã bị suy giảm nhiều. Lúc này cần phải tăng thêm nguồn lực thì nền kinh tế mới có thể phục hồi. Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn thuế, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giãn nợ… Tuy nhiên, những biện pháp hỗ trợ như trên mới chỉ giúp doanh nghiệp đỡ gánh nặng chứ chưa làm tăng thêm tiềm lực cho doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển, Chính phủ cần thực hiện hỗ trợ theo hai hướng.
Thứ nhất, tăng nguồn vốn tín dụng thông qua hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Nền kinh tế phục hồi phải dựa vào sự hồi phục của doanh nghiệp. Muốn hồi phục được, các doanh nghiệp phải có thêm nguồn lực từ bên ngoài, phải huy động vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nếu có thêm nguồn lực, không chỉ giúp các doanh nghiệp phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn có thể tranh thủ cơ hội đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch để tìm được chỗ đứng trong chuỗi giá trị và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc đầu tư vốn cho phục hồi hoạt động kinh doanh sau đại dịch của doanh nghiệp còn chứa đựng nhiều rủi ro và chưa thể có được mức lợi nhuận như khi không có dịch. Do vậy, cần có nguồn vốn rẻ vay với lãi suất thấp để doanh nghiệp yên tâm mạnh dạn đầu tư và ngân hàng cũng sẵn sàng cho vay nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc kinh doanh vốn.
Để có được nguồn vốn đó, Chính phủ phải có chính sách hỗ trợ bù phần lãi suất chênh lệch giữa mức lãi bảo đảm kinh doanh của ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Mức lãi suất ưu đãi hợp lý không nên vượt quá mức lạm phát. Mục tiêu chúng ta đặt ra giữ chỉ số lạm phát dưới 4% thì lãi suất vay cũng không nên vượt quá con số này. Trong một số trường hợp cần đặc biệt ưu đãi như cho vay trả lương trong bối cảnh doanh nghiệp chưa thể quay trở lại hoạt động thì mức lãi suất ưu đãi cần ở mức thấp hơn. Phần chênh lệch lãi suất do Chính phủ cấp bù đương nhiên phải lấy từ ngân sách. Như vậy, cần có thêm nguồn cho cân đối ngân sách để thực hiện việc cấp bù này.
Thứ hai, tăng đầu tư ngân sách cho các hoạt động của doanh nghiệp thông qua đầu tư công và đặt hàng để kích cầu nền kinh tế.
Trải qua 2 năm chống chọi với đại dịch, "cầu" của nền kinh tế sụt giảm rất mạnh. Lúc này, để khuyến khích các doanh nghiệp phục hồi sản xuất được thì phải tăng "cầu". Chúng ta mới dùng ngân sách để hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng cần được trợ cấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, trong khi nhiều nước có tiềm lực dự trữ cao đã phát tiền cho toàn dân, đủ để kích thích tiêu dùng, sản xuất trong nước.
"Cầu" thứ hai là từ phía Chính phủ, phải bỏ tiền ra để tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, phải đặt hàng doanh nghiệp. Việc này thường được thực hiện bằng con đường đầu tư công. Trong giai đoạn hiện nay, các dự án đầu tư công không thể dừng lại, phải thúc đẩy để phục vụ cho chiến lược phát triển. Đầu tư công sẽ lan tỏa ra các doanh nghiệp, tạo ra các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông, lĩnh vực nào Chính phủ cần đặt hàng cho doanh nghiệp?
GS. TS Hoàng Văn Cường: Chính phủ nên đặt hàng các lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư phát triển, cần tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp phát triển. Ví dụ, ngành công nghiệp đường sắt rất cần cho Việt Nam, các thành phố lớn phải có được mạng lưới đường sắt đô thị. Trên thực tế, chúng ta đang phải đi vay nước ngoài, bỏ tiền ra cho các nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án đường sắt và đều đang có vấn đề. Chẳng lẽ chúng ta sẽ mãi mãi phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài đó, phải đi mua từng cái bulon đường ray đến từng thiết bị của con tàu… Chúng ta phải có ngành công nghiệp đường sắt của riêng mình.
Đây là cơ hội Chính phủ phải dùng nguồn lực của mình để đặt hàng cho các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước, có thể liên kết, mua lại công nghệ để kết hợp với các thành tựu hiện nay trong chuyển đổi số để thực hiện ngành công nghiệp đường sắt với công nghệ hiện đại hơn những gì chúng ta đang thuê các nhà thầu nước ngoài xây dựng. Nếu Chính phủ có chính sách cam kết dành thị phần đủ lớn và có chính sách hỗ trợ ban đầu, tôi tin tưởng việc này các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được, chúng ta đủ khả năng để tạo ra một chuỗi cung ứng thực hiện ngành công nghiệp đường sắt.
Bên cạnh đó, đất nước ta còn đang có nhiều thế mạnh chưa được khai thác phát huy hết tiềm năng như ngành công nghiệp hậu cần cho phát triển kinh tế biển, vận tải biển. Việt Nam có hơn 3000 km bờ biển, chúng ta có Vịnh Vân Phong nằm ở vị trí đắc địa, kết nối cả khu vực Đông Bắc Á, cả khu vực Tây Thái Bình Dương. Nếu phát triển khu vực này trở thành trung tâm logistics vận tải biển thì Vân Phong không thua kém gì cảng của Singapore và hấp dẫn hơn nhiều lần cảng Hongkong (Trung Quốc) và các cảng khu vực Bắc Thái Bình Dương. Chính vì vậy, Chính phủ nên bỏ tiền ra để đặt hàng, tạo lập được những cơ sở để biến khu vực đó trở thành khu vực đầu tư, trở thành trung tâm dịch vụ công nghiệp tàu biển, phục vụ phát triển kinh tế biển, phát triển các dịch hậu cần vận tải biển đầy tiềm năng. Chính phủ nên đặt hàng cho các tập đoàn kinh tế mạnh trong nước đảm nhận các hạng mục hạ tầng trọng yếu và kêu gọi, bắt tay với các nhà đầu tư các cảng lớn phía bên kia Thái Bình Dương để biến Vân Phong thành trạm trung chuyển vận tải biển quốc tế hấp dẫn kết nối hàng hải Thái Bình Dương.
Chúng ta đã xác định phải đẩy mạnh chuyển đổi số để bứt phá vươn lên nhờ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Muốn vươn lên đi đầu và tự chủ, chúng ta không thể lệ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài, để nước ngoài kiểm soát cả phần cứng đến phần mềm mà phải có công nghệ của riêng mình để kiểm soát và làm chủ quá trình chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nếu được đầu tư thông qua đặt hàng, các kỹ sư tin học của Việt Nam thừa sức phát triển được các phần mềm và các công nghệ tin học để làm chủ và có chỗ đứng trong cuộc cách mạng này.
Trong bối cảnh đang thực hiện chính sách miễn, giãn, hoãn các khoản thuế thì nguồn lực từ đâu để đầu tư?
GS. TS Hoàng Văn Cường: Nguồn thu ngân sách sẽ tiếp tục sụt giảm do chính sách miễn, giảm, giãn hoãn các khoản thu và doanh nghiệp đang khó khăn cho nên nguồn thu sẽ giảm trong khi nhu cầu chi cho phòng chống dịch tăng. Chính vì vậy, để có tiền đầu tư, chúng ta buộc lòng phải đi vay, để đầu tư, phát triển, để bứt phá. "Cái khó sẽ bó cái khôn", nếu chúng ta sợ, không dám đi vay thì sẽ giam chúng ta trong vòng luẩn quẩn, nền kinh tế không thể bứt phá mà sẽ lỡ nhịp đà phục hồi kinh tế thế giới. Do vậy, để có nguồn đầu tư, giải pháp đi vay là con đường tất yếu. Đừng nghĩ cứ đi vay làm nợ công tăng lên là rủi ro, là xấu… Nếu chúng ta đi vay mà không quản lý tốt, không tạo ra tiềm lực cho đất nước thì đó là điều đáng lo ngại. Nhưng điều đáng lo hơn là không dám vay, không có nguồn lực để phục hồi, nền kinh tế tiếp tục đi xuống hoặc chững lại trong khi đà phục hồi kinh tế thế giới đang mở ra nhiều cơ hội mà chúng ta không chớp lấy.
Chúng ta vẫn còn dư địa rất lớn để đi vay mà không e ngại chạm trần nợ công. Trần nợ công Chính phủ trình Quốc hội thông qua cho phép tới 60% GDP. Tỉ lệ nợ công năm 2020 đang ở mức khoảng 44% GDP. Như vậy, chúng ta còn có thể đi vay thêm khoảng 16% GDP mới chạm trần nợ công, đây là dư địa rất tốt, chúng ta phải dùng trong bối cảnh nền kinh tế cần đến, để chúng ta vượt qua khó khăn.
Hiện nay, nếu chúng ta chỉ sử dụng chính sách tiền tệ đơn thuần, ngân hàng buộc lòng phải "bơm" thêm tiền vào nền kinh tế.
Nếu chúng ta để ngân hàng "bơm" tiền vào nền kinh tế thì chúng ta phải kiểm soát tốt dòng tiền chảy vào các khu vực sản xuất, những nơi, lĩnh vực cần hỗ trợ. Bên cạnh đó, chúng ta lấy tiền đâu để "hút" tiền ra. Nếu lãi suất ngân hàng thấp thì người dân sẽ không gửi tiền vào, cuối cùng tiền của dân sẽ chảy vào bất động sản và chứng khoán. Kinh tế không tăng trưởng tại sao bất động sản lại tăng giá, chỉ số chứng khoán lại tăng?
Vậy thì, Chính phủ tăng nợ công thông qua phát hành trái phiếu cũng là giải pháp để hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân do lãi suất tiết kiệm thấp, người dân không muốn gửi ngân hàng mà chuyển sang đầu tư vào tài sản. Nếu như trong bối cảnh bình thường, Chính phủ phát hành các trái phiếu có thể sẽ cạnh tranh với ngân hàng trong việc huy động vốn, có thể làm cho lãi suất tăng, doanh nghiệp khó tiếp cận. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, "sức khỏe của doanh nghiệp đang sa sút" thì phát hành trái phiếu Chính phủ không chỉ tăng tiềm lực đầu tư mà còn có tác dụng hút dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát.