Biến động thứ hạng địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất: Hà Nội tụt bậc, Đà Nẵng ra khỏi top 10

Thứ Ba, 19/10/2021 13:31
Lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt.

Biến động thứ hạng địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất: Hà Nội tụt bậc, Đà Nẵng ra khỏi top 10

Theo báo cáo Điều tra Lao động Việc làm 2020 của Tổng cục Thống kê, đại dịch Covid-19 khiến thị trường lao động Việt Nam năm 2020 gặp nhiều sóng gió, lần đầu tiên trong 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị thâm hụt. 

Thu nhập từ việc làm bình quân/tháng năm 2020 của lao động làm công ăn lương 2 là 6,6 triệu đồng/tháng. Trong đó, nam giới có thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn so với nữ giới (6,92 triệu đồng và 6,17 triệu đồng).

Xét theo địa phương, TP. HCM tiếp tục là địa phương có thu nhập bình quân lao động dẫn đầu cả nước với 8,619 triệu đồng/tháng. Đồng Nai đã vươn từ vị trí thứ 3  năm 2019 lên đứng thứ 2 năm 2020 với 8,008 triệu đồng/tháng. Hà Nội đứng thứ 3 sau Đồng Nai với 7,721 triệu đồng/tháng.

Các địa phương tiếp theo trong top 5 là hai trung tâm sản xuất công nghiệp Bình Dương và Bắc Ninh.

Biến động thứ hạng địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất: Hà Nội tụt bậc, Đà Nẵng ra khỏi top 10 - Ảnh 1.

Đáng chú ý, Đà Nẵng đã rơi từ vị trí thứ 5 xuống đứng thứ 11 về thu nhập bình quân lao động với 6,523 triệu đồng/tháng, giảm đáng kể so với năm 2019 là 7,558 triệu đồng/tháng.

Nếu xét theo vùng kinh tế xã hội, vùng có thu nhập bình quân lao động cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (7,872 triệu đồng một người một tháng), vùng có thu nhập bình quân lao động thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (6,091 triệu đồng một người một tháng). 

Báo cáo cũng chỉ ra, khoảng 40,9% lao động làm từ 40-48 giờ/tuần, thấp hơn 5,4 điểm phần trăm so với năm 2019 và có 30,9% lao động làm việc trên 48 giờ một tuần, giảm 4,7 điểm phần trăm so với năm trước. 

Mặt khác, số lao động làm việc dưới 20 giờ/tuần chiếm tỷ trọng thấp (6,6%), tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam (33,9%) cao hơn của nữ (27,4%). Tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần của năm 2020 là 21,8%; tỷ trọng này chênh lệch đáng kể giữa thành thị (15,2%) và nông thôn (25,0%). 

Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (13,4%) và cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (30,7%). Tỷ trọng lao động làm việc trên 60 giờ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (9,3%) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (3,6%).

Biến động thứ hạng địa phương có thu nhập bình quân lao động cao nhất: Hà Nội tụt bậc, Đà Nẵng ra khỏi top 10 - Ảnh 2.

Số giờ làm việc bình quân/tuần của năm 2020 là 41,9 giờ/tuần, số giờ làm việc bình quân/tuần của nam cao hơn nữ và khu vực thành thị cao hơn nông thôn, vùng Đông Nam Bộ có số giờ làm việc bình quân/tuần cao nhất trong 6 vùng (44,2 giờ/tuần), giữa các vùng có sự chênh lệch số giờ làm việc bình quân/tuần giữa thành thị và nông thôn khác nhau. 

Mức chênh lệch này lớn nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long (4,3 giờ/tuần), thấp nhất ở Đồng bằng sông Hồng (0,4 giờ/tuần), riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh số giờ làm việc bình quân/tuần khu vực nông thôn lại cao hơn thành thị tương ứng là 2,2 giờ/tuần và 0,2 giờ/tuần.

Theo Nhịp sống kinh tế

Tin khác