Đặc sắc du lịch Đất Sen hồng

Thứ Năm, 14/12/2023 01:50
Đồng Tháp là vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn.

Không chỉ có nhiều di tích văn hóa lâu đời, Đồng Tháp còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp giữ được nét hoang sơ, nhiều cảnh quan sinh thái đặc trưng, sông nước hữu tình, ẩm thực độc đáo, con người hiền lành, nhân hậu và mến khách… Đây là vốn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch.

Điểm tham quan cánh đồng hoa tại Làng hoa Sa Đéc

Phương châm phát triển du lịch của tỉnh là “Sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện, đơn giản - giá cả cạnh tranh - môi trường vệ sinh sạch, đẹp - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Du lịch bứt phá

Đầu năm 2023 đến nay, cùng với tình hình phục hồi chung của du lịch cả nước, du lịch Đồng Tháp tiếp tục phát triển ổn định, tăng trưởng khá nhanh. Tỉnh đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển du lịch, trọng điểm đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với tiềm năng, thế mạnh đặc trưng từng địa phương. Đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề với quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo bước đột phá tăng tốc phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh tập trung triển khai các giải pháp phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao, nhất là sản phẩm du lịch đường thủy, du lịch nông nghiệp nông thôn. Nhiều sản phẩm mới được xây dựng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách như: tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp huyện Cao Lãnh; tour “Dỡ chà đãi bạn” TP Cao Lãnh, 2 chương trình tour Bình minh Tràm Chim và Hoàng hôn Tràm Chim, tour “Trải nghiệm Chợ chiếu Ma Định Yên”... Đặc biệt, từng bước nâng cấp, phát triển thành mô hình Làng du lịch cộng đồng Định Yên (huyện Lấp Vò), Làng du lịch cộng đồng Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh), Làng nghề dệt choàng xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự).
Sở VH,TT&DL tích cực phối hợp với các địa phương hoàn thiện, nâng cao chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, Homestay, Farmstay. Cùng với đó, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP hạng 3 - 4 sao đối với các điểm du lịch nông thôn. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh phát triển 4 điểm du lịch cộng đồng. Đồng Tháp có 2 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu khu vực năm 2023, gồm: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Gò Tháp (huyện Tháp Mười), Khu du lịch Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh).

Tiếp tục phát huy giá trị 200 món ăn từ sen, Sở VH,TT&DL phối hợp với các khu di tích, điểm tham quan, hộ kinh doanh du lịch cộng đồng, nhà hàng đưa thực đơn các món ăn từ sen vào phục vụ. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu món ăn sen trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Đồng Tháp, góp phần phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương.

Ngành kinh tế quan trọng

Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Đồng Tháp cho biết, 10 tháng đầu năm tỉnh đón 3.450.000 lượt khách du lịch, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 90,8% kế hoạch; doanh thu ước đạt 1.640 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,1% kế hoạch. Ước cả năm 2023, tỉnh đón và phục vụ khoảng 4 triệu lượt khách với tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng. 

Hướng tới mục tiêu đến năm 2025 - Giá trị ngành du lịch đóng góp từ 5,0% – 6,0% trong tổng giá trị GRDP của Tỉnh. - Thu hút trên 5,0 triệu lượt khách, tăng bình quân 13%/năm; doanh thu tăng bình quân 15%/năm (khoảng 1.700 tỷ đồng), tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng” trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng giải pháp cơ cấu lại thị trường khách du lịch.
Đối với thị trường khách du lịch quốc tế, củng cố thị trường khách truyền thống (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp); tập trung khai thác thị trường khách châu Âu và khu vực Đông Bắc Á, trong đó chú trọng khách du lịch có khả năng chi trả cao, lưu lại dài ngày, trải nghiệm văn hóa bản địa và tham quan cảnh quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng tour du lịch đường thủy, vốn là thế mạnh của vùng ĐBSCL; xây dựng sản phẩm du lịch biên mậu thu hút đối tượng khách quốc tế đi qua Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà và Thường Phước. Đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách du lịch theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Đồng Tháp có tiềm năng và đáp ứng xu hướng mới của khách quốc tế như: du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch ẩm thực, du lịch sinh thái.
Về thị trường khách du lịch nội địa, duy trì thị trường khách truyền thống đến từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, Hà Nội.

Tiếp tục phát triển thị trường khách du lịch tham quan thưởng ngoạn, ngắm cảnh quan thiên nhiên, sông nước miệt vườn; trải nghiệm nông nghiệp - làng nghề, thưởng thức ẩm thực dân gian Nam bộ; du lịch lễ hội - tâm linh, gắn với tìm hiểu văn hóa, lịch sử, cách mạng. Đồng thời tăng cường thu hút từ các tỉnh miền Trung - Bắc Trung bộ và Tây Nguyên với việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa và ẩm thực mang tính đặc trưng vùng miền.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung hoàn thiện hệ thống tin dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến... Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các mô hình Câu lạc bộ, mô hình tự quản cộng đồng trong việc tuyên truyền, tham gia phát triển du lịch Đồng Tháp thực sự là “Điểm đến du lịch đặc trưng – an toàn – thân thiện – chất lượng" góp phần tạo dựng hình ảnh của tỉnh.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác