Tôi nghe nói về đại công quốc Luxembourg đã lâu. Nằm ở Tây Âu, diện tích 2586 km2, dân số khoảng 682.000 người, đất nước duy nhất trên thế giới còn chế độ công tước. Một chấm nhỏ vô cùng khiêm tốn trong bản đồ nhưng là một đất nước giàu có bậc nhất. Một trung tâm di sản văn hóa thế giới và là nơi tập trung đa dạng sắc màu văn hóa châu Âu.
Nhà thờ ở Luxembourg
Ngày nghỉ lễ Pfingsten, gia đình tôi quyết định chạy xe từ Giessen (Đức) sang bên đó khám phá. Quãng đường đi gần 300km trở nên không quá xa khi xe vượt qua những ngọn đồi xanh mướt, những thung lũng nên thơ với vườn nho thẳng tắp, hoa cải vàng ruộm và những dòng sông uốn lượn đẹp như tranh vẽ ở hai bên đường.
Điểm lựa chọn dừng chân đầu tiên của chúng tôi chính là Vianden - thị trấn xinh đẹp nằm ngay sát biên giới với Đức ở phía Bắc, lọt thỏm trong thung lũng Our. Nơi đây có một tòa lâu đài nổi tiếng của Luxemburg, đó là lâu đài Vianden.
Tòa lâu đài này tọa lạc sừng sững trên mỏm núi đá nhìn xuống thung lũng, được xây dựng từ thế kỷ thứ 11 và hoàn thiện vào thế kỷ thứ 13. Thiết kế theo lối kiến trúc pha trộn giữa La mã và Gothic, là nơi ở chính của các lãnh chúa và bá tước. Bên trong lâu đài vẫn giữ được nguyên vẹn các phòng họp, phòng sinh hoạt, phòng ăn, phòng ngủ, phòng hội đồng và cả tầng hầm rượu vang để ăn mừng chiến thắng...
Lâu đài Vianden nhìn từ xa
Tất cả các cổ vật đều được sắp xếp ngăn nắp, đẹp mắt, có niên đại ghi chú rõ ràng.
Đứng từ trên lâu đài nhìn ra cả một vùng thị trấn xanh mát. Xa xa cao hơn, hệ thống cáp treo sẽ phục vụ cho những ai có nhu cầu muốn thử cảm giác lơ lửng trên không trung để ngắm nhìn toàn cảnh lâu đài từ trên cao. Tôi đã đi thăm lâu đài NeuSchwanstein của Đức thì thấy Vianden có vẻ đẹp không kém phần lãng mạn.
Từ Vianden di chuyển vào thủ đô Luxembourg chỉ mất 48km. Đây có thể coi là trung tâm du lịch chính khi ta đặt chân đến đất nước nhỏ bé, được coi là trái tim xanh của châu Âu này.
Thành phố mang cả nét cổ kính và hiện đại, chiếm một vị trí rất đắc địa ở trên cao. Trước đây, thành phố là một pháo đài cổ lớn nhất châu Âu, sau bị phá hủy chỉ còn lại tàn tích là hệ thống tường thành, những vọng canh, lỗ châu mai, các công sự hay hệ thống hầm ngầm pháo thủ còn tồn tại dưới lòng đất.
Thung lũng Petrusse xanh mát
Những cây cầu là điểm nhấn khá đặc biệt ở Luxembourg city. Ngay giữa trung tâm, cây cầu vòm đá Adolphe đã trở thành biểu tượng nổi tiếng được in trên bưu thiếp du lịch, mang tên một vị đại công tước và là cây cầu có tuổi đời trên 100 năm. Đứng ở đây ta sẽ thấy rõ hai khu vực thăm quan.
Một bên khu phố thượng (Ville haute). Nhiều di tích quan trọng được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 1994. Nơi đây có nhà thờ đức bà, cung điện đại công tước, quảng trường D'Armes, quảng trường hiến pháp, tượng đài tưởng niệm Gelle Fra... Khu phố đi bộ tập trung đầy đủ các chuỗi cửa hàng nổi tiếng thế giới nên ta có thể vừa đi khám phá vừa mua sắm (nếu vào ngày thường) và ăn uống ngay trên các trục phố sầm uất khách du lịch.
Di chuyển giữa các điểm thăm quan khá gần nhau nên gia đình tôi chủ yếu đi bộ. Chỗ đỗ xe cho khách du lịch cũng rất thuận tiện, ở ngay trong trung tâm phố.
Trời nắng như rải mật vàng, các quán kem, quán cafe, quán bia dọc đường chật kín người ngồi. Có lẽ thời tiết đẹp như thế này thì việc đi ngắm cảnh và phơi nắng rất hợp với người châu Âu. Một viên kem ốc quế ở đây có giá 3,5 euro. Cậu con trai của tôi tròn mắt kêu lên: "Sao đắt thế mẹ, đắt hơn gấp đôi ở Đức!". Tôi phải giải thích với con, thu nhập bình quân đầu người ở đây vào mức cao nhất thế giới nên chi phí cao là đúng rồi.
Đứng ở trên cầu nhìn lên các bức tường thành ở Luxembourg
Tôi để ý đường phố sạch sẽ và ít người ăn xin. Khi đi toilet công cộng không hề mất phí và thành phố có phục vụ vòi nước ngọt uống luôn, rất tiện lợi cho khách du lịch.
Từ trên cầu Adolphe nhìn xuống phía dưới thung lũng Petrusse là khu phố hạ (Ville basse). Một vùng yên tĩnh đối lập với vẻ náo nhiệt ở khu phố thượng, rất thích hợp với du khách không thích ồn ào. Ở đây có đoạn hầm ngầm nổi tiếng Bock Casemates, tổng chiều dài 23 km và sâu 40 m, sức chứa 1200 người. Gọi là hầm ngầm nhưng Bock có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như phòng hội họp, nhà bếp, lò làm bánh...
Bên ngoài là dòng sông hiền hòa Alzette uốn lượn. Hai bên bờ sông là những lâu đài, những ngôi biệt thự xinh xắn thanh bình, những tàng cây cổ thụ như ôm ấp bao bọc dưới chân thành cổ. Còn từ trên cầu nhìn lên, bức tường phòng thủ Corchine với từng đoạn nghiêng nghiêng bám vào vách núi nhìn ra cả một vùng thung lũng xanh. Thật hùng vĩ và đẹp mắt! Đây được mệnh danh là ban công đẹp nhất của châu Âu.
Buổi chiều khi đã đủ mỏi chân, chúng tôi quay lại khu phố thượng. Các quán ăn đầy ắp người ngồi, nhiều quán phải đứng xếp hàng chờ bên ngoài. Luxembourg là một đất nước đa sắc tộc nên không khó khăn gì khi ta thấy có rất nhiều nhà hàng từ các nước trên thế giới.
Ảnh hưởng nhất vẫn là các món ăn có nguồn gốc Đức, Pháp, Ý, mà đọc qua menu tôi thấy ngay như rượu vang, thịt cuộn, thịt hầm, khoai tây nghiền, mì nướng, xúc xích, pizza...
Ngôn ngữ chính là tiếng Luxembourg nhưng người dân ở đây được học cả tiếng Đức, Pháp và Anh, thành ra nói tiếng gì họ cũng hiểu. Chúng tôi hơi ngạc nhiên khi tiền đậu xe khá rẻ, chỉ khoảng 1 euro cho một tiếng. Cái giá không tưởng ở Đức hay ở nhiều thành phố du lịch khác.
Tác giả ở lâu đài Vianden
Trước khi đến quốc gia tí hon này - nơi nhiều trung tâm quyền lực của châu Âu đặt trụ sở, nơi các ngân hàng lớn trên thế giới tìm đến - tôi từng nghĩ chắc nó cũng hối hả, khô khan và thiếu sự lãng mạn.
Quả thật tôi đã lầm. Nơi đây sở hữu rất đa dạng giá trị văn hóa lịch sử đáng quý cho nhân loại. Chỉ cần thong thả chiêm ngưỡng những kiến trúc tuyệt tác đó hay ngắm nhìn dòng sông hiền hòa chảy qua thành phố cổ kính dưới thung lũng bên những thảm cây xanh mướt một màu, mới thấy, cuộc sống của người dân nơi đây thật yên bình và hạnh phúc.
Một cuộc sống như mơ.