Cuộc đua hiện thực hoá mục tiêu của du lịch Việt trong năm 2024

Thứ Tư, 10/01/2024 23:10
Ngành Du lịch kỳ vọng năm 2024 sẽ bứt phá mạnh mẽ. Để phục hồi hoàn toàn, du lịch Việt Nam cần phải có một chiến lược để giải tỏa những “điểm nghẽn” về chính sách và truyền thông.

Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 17-18 triệu lượt khách quốc tế. Trong điều kiện lý tưởng nhất, nếu đạt con số 18 triệu, ngành du lịch xem như phục hồi hoàn toàn, trở lại mức kỷ lục của năm 2019.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhận định, sau gần 2 năm thực hiện các biện pháp phục hồi, du lịch Việt Nam đang có đà tăng trưởng. Năm 2024 sẽ là thời điểm để du lịch bứt tốc, tăng sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Nhìn nhận về mục tiêu đón khách quốc tế năm 2024, PGS.TS Phạm Trương Hoàng - Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) - nhắc đến một thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam là Trung Quốc.

“Rõ ràng lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường Trung Quốc. Tuy vậy, thị trường này lại phụ thuộc nhiều vào chính sách, vốn khó dự đoán. Bởi vậy tôi chia làm 2 kịch bản” - ông Phạm Trương Hoàng chia sẻ.

Sau gần 2 năm thực hiện các biện pháp phục hồi, du lịch Việt Nam đang có đà tăng trưởng. 

Theo đó, kịch bản thứ nhất, thị trường Trung Quốc phục hồi chậm. Tính theo tốc độ như năm 2023, sang năm 2024 Việt Nam có thể đón tổng cộng khoảng 3 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc, ít hơn so với năm 2019 gần 3 triệu lượt. Tổng các thị trường khác phục hồi bằng mức năm 2019, ngành du lịch sẽ có 15 triệu lượt khách quốc tế.

Trong kịch bản thứ hai, thị trường Trung Quốc phục hồi nhanh hơn - dù vậy, ông Phạm Trương Hoàng cho rằng, thị trường này khó có thể đạt mức năm 2019. Nếu tổng của các thị trường khác phục hồi bằng mức của năm 2019, Việt Nam sẽ đón khoảng 17 triệu lượt khách quốc tế.

Nếu tính chung cả hai kịch bản như dự báo trên, Việt Nam sẽ có khoảng 15-17 triệu lượt khách quốc tế.

“Nếu các điều kiện thị trường còn thuận lợi hơn nữa, thậm chí ta có thể đạt xấp xỉ mức 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế của năm 2019. Khách du lịch nội địa có thể đạt mức tăng trưởng 6-7%” - PGS.TS Phạm Trương Hoàng phân tích.

 Du lịch Việt cần có sự thay đổi toàn diện về nhận thức, cách làm, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, du lịch Việt Nam đang có sự tăng trưởng trở lại nhưng nhìn sang các nước bạn thì sự tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn, điển hình như Thái Lan đang có lượng khách du lịch vượt xa Việt Nam. Vì thế, để du lịch bứt phá tốt hơn, cần có sự thay đổi toàn diện về nhận thức, cách làm, quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, hiện nay liên kết du lịch giữa các đơn vị, doanh nghiệp hàng không, lữ hành, điểm đến không còn chặt chẽ như trước. Điều này khiến các sản phẩm du lịch của Việt Nam dần kém hấp dẫn, nhiều tuyến du lịch nội địa giá dịch vụ cao hơn du lịch quốc tế.

“Để tạo tăng sức cạnh tranh, rất cần sự liên minh, liên kết nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giá tốt, tăng sức hút với cả khách quốc tế và nội địa”, ông Vũ Thế Bình bày tỏ.

 

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Tin khác