Có thể dễ dàng khẳng định phở là món ăn Việt Nam nổi tiếng cũng như được thế giới biết đến nhiều nhất. Thế nhưng trong nền ẩm thực nước ta thì lại còn vô số món ăn truyền thống sở hữu những nét đặc trưng và phong vị riêng. Các món đều cầu kỳ không kém phở từ cách chế biến, nguyên liệu, cách thưởng thức... và về độ ngon. Mới đây, theo đánh giá của chuyên trang du lịch The Culture Trip, có tới 11 món ăn được liệt vào danh sách xếp hạng là ngon không kém gì phở trong mắt các du khách nước ngoài. Và danh sách đó như sau:
The Culture Trip đánh giá cao món ăn này nhờ “thành phần hấp dẫn, kết hợp nhiều gia vị và đầy đủ dinh dưỡng”. Sợi mì của mì Quảng thường được làm từ bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái thành sợi dẹt, đều. Bên dưới sợi mì là các loại rau sống, còn đặt lên trên cùng là thịt heo luộc hoặc tôm luộc, thịt gà rang. Rắc thêm chút lạc rang, hành lá và rưới nước dùng đặc sánh vào cuối cùng là tô mì tròn vị.
“Bò kho chỉ thực sự ngon khi ăn cùng cơm hoặc bánh mì”, chuyên trang này đã nhận định như vậy. Thịt bò được ướp trong hỗn hợp nước mắm, đường và một vài gia vị địa phương đặc biệt, sau đó đem hầm nhừ từ 2 - 4 tiếng, đến khi miếng thịt mềm ngọt, tan được khi ấn thìa vào là có thể thưởng thức. Với một số nơi trên Việt Nam, bò kho còn có thể thêm cà rốt, khoai tây cho món thêm dinh dưỡng và ăn đỡ bị ngấy.
Cũng giống như mì Quảng thì cái tên “bún bò Huế” được đặt theo địa danh bắt nguồn là tại Huế. Món ăn truyền thống có nguyên liệu chính là bún, thịt bò (thường là bắp bò), chân giò heo, cùng nước dùng đặc trưng mà theo chuyên trang này là: “Chúng tôi không thể phân tích được các gia vị bỏ vào đó”. Và theo thời gian để làm phong phú hơn món ăn đặc sản xứ Huế này, người Việt còn cho thêm thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu vào bát bún.
Tất nhiên không thể bỏ quên nem rán trong danh sách này - món chiên luôn có mặt trong các mâm cỗ của người Việt bao đời nay. Dù có từ rất lâu nhưng chưa bao giờ nem rán thực sự ngấy hay bị lãng quên. Ở mỗi vùng miền, nem rán lại những biến tấu khác nhau về nhân nem. Ví dụ như có nơi dùng tôm, thịt lợn xay, miến ngâm, mộc nhĩ, nấm hương làm nhân chính. Có nơi lại chuyên dùng nguyên liệu hải sản, thậm chí là cả rau củ (nem chay). Dù với biến tấu nào, nem rán (chả giò) cũng đều làm nức lòng thực khách: dễ ăn, quen miệng, đậm vị.
Người nước ngoài thường gọi "bánh xèo" là “ban say-o” vì họ không thể phát âm chữ “xèo”trong tiếng Việt. Chuyên trang The Culture Trip cho rằng bánh xèo được du khách nước ngoài yêu thích nhờ sự kết hợp lạ miệng giữa vị béo ngậy của bột với vị thanh của giá đỗ, vị ngọt của tôm - thịt. Bánh xèo ngon nhất là khi được cuộn trong bánh đa nem cùng rau sống các loại, chấm vào bát nước mắm chua ngọt, thanh thanh mà mỗi quán “có một bí quyết pha riêng”. Một phần ăn là một cắp bánh xèo, có giá từ 20.000 - 40.000 đồng, thực khách cũng có thể ăn bánh xèo chấm thẳng với nước mắm mà không cuốn kèm gì cả.
Đây là món đặc sản ở miền Nam Việt Nam, và cũng là một trong những món cơm được ưa chuộng nhất. Một đĩa cơm tấm (có nơi gọi là “dĩa cơm”) chuẩn gồm đủ sườn nướng, bì, chả và trứng ăn với cơm. Để tăng thêm dinh dưỡng cho món cơm này, một số quán thay phần cơm được nấu bằng hạt gạo nứt và bổ sung rau luộc cho thực khách. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy các hàng cơm tấm nổi tiếng ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Tiếp tục gọi tên một món bún khác trong danh sách, đây đồng thời cũng là món ăn truyền thống nổi danh ở Hà Nội. Nguyên liệu rất đơn giản: thịt được tẩm ướp gia vị nướng lên trên than hoa hay than củi, ăn kèm với bún sợi nhỏ và nước mắm tỏi ớt pha chế. Ngoài ra để cho đỡ ngấy, thực khách có thể ăn bún chả kèm với su hào, cà rốt ngâm giấm.
Nhiều thực khách nước ngoài nhầm gỏi cuốn với nem rán vì đều được cuộn rau thịt bên trong, chỉ khác là không chiên lên, nhưng thực chất không phải vậy. Thành phần trong gỏi cuốn gồm có bún sợi, thịt heo quay, cà rốt, dưa chuột, rau sống và tôm luộc. Tất cả cuộn vào với lớp vỏ bánh đa nem mỏng, chấm vào thứ nước mắm chua ngọt hoặc tương là thành món ăn hoàn hảo, thanh mát cho mùa hè.
Bột chiên là món ăn đường phố rất được ưa chuộng ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Nam Việt Nam. Bề ngoài có thể thấy cầu kỳ, nhưng thành phần món ăn này lại cực kỳ đơn giản: gồm bột luộc thái ra thành viên vuông vừa miệng, đảo trên chảo cùng trứng, ăn kèm với đồ chua (rau củ chua thái sợi ngâm giấm). Bột chiên là món ăn đường phố và những hàng bột chiên ngon nhất cũng chỉ có trên các vỉa hè. Chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm mà du khách không thể quên.
Ai đã có dịp thưởng thức món chả cá Lã Vọng hẳn sẽ không thể quên hương vị của những miếng chả cá béo ngậy, thơm nức hòa quyện cùng mùi thơm của rau húng láng, sự giòn bùi của đậu phộng rang… Khác với những loại chả khác được làm từ thịt xay với bột thì “chả cá Hà Nội” (hay chả cá Lã Vọng) là những miếng thịt cá nước ngọt được ướp nước cốt riềng, nghệ, mắm tôm, đường, mẻ rồi nướng sơ lên. Sau đó tiếp tục “xào” trên chảo húng láng, hành lá và rau ăn kèm các loại. Ăn kèm với bún và mắm tôm, lạc rang, chả cá Lã Vọng quả thực là một món ăn nức tiếng đất Hà Thành với du khách nước ngoài.
11. Mực chiên
Dựa vào nguồn mực tươi phong phú ven biển mà ngư dân các tỉnh miền Trung đã “sáng chế” ra món mực chiên từ lâu nay, nổi tiếng ở các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang... Đơn giản là mực tươi thái miếng vừa ăn, lăn qua bột tẩm gia vị hoặc phủ bột trứng, chiên ngập dầu. Khi ăn chấm tương ớt cay ngọt hoặc nước mắm pha chế vừa miệng, món mực chiên có thể ăn quanh năm mà không hề ngấy!
Dù là món ăn nào đi chăng nữa, thì 11 món kể trên cùng với phở đã làm cho nền ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng trên toàn thế giới. Thưởng ngoạn hết sơn hào hải vị, cũng hiếm nơi nào có những món ăn bình dân mà say đắm lòng người như Việt Nam.