Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký công văn đồng ý cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 6/4. Trao đổi với phòng viên, nhiều phụ huynh bày tỏ đồng tình với việc cho trẻ đến trường thay vì phải học trực tuyến ở nhà.
Chị Nguyễn Thị Phúc ở phường Dương Nội, quận Hà Đông chia sẻ, gần 1 năm bé học lớp 2 nhà chị chưa được tới trường, thời gian học online kéo dài ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, trao đổi thông tin với mọi người, bạn bè của trẻ.
"Tôi e ngại học online kéo dài đến khi học trực tiếp bé sẽ hòa nhập chậm hơn. Việc sử dụng nhiều máy tính, điện thoại ở lứa tuổi này cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm", chị Phúc cho biết.
Giống như chị Phúc, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc, các cháu tiểu học trong nội thành Hà Nội chưa được cho đến trường học, nhưng khi đến siêu thị, nhà sách, khu vui chơi, công viên lại tập trung rất đông người. Tại sao các con được thoải mái đi chơi mà lại không được đến trường học?
Còn theo chị Lê Thị Yến ở phường Định Công, quận Hoàng Mai: "Nhà tôi thường để cho bé lớn học lớp 8 trông bé học lớp 1, tuy nhiên bé học lớp 8 đã đi học trực tiếp tại trường, mình bé lớp 1 ở nhà không thể yên tâm, mặc dù đã có camera quan sát. Giờ nghỉ trưa tôi lại phải chạy về nhà nấu cơm cho con ăn nhưng vẫn không hết lo lắng. Gia đình không đủ điều kiện để thuê người giúp việc khi dịch bệnh, kinh tế gia đình khó khăn hơn. Tôi mong muốn cho học sinh lớp 1 tới trường sớm và đồng tình việc Thành phố cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp từ ngày 6/4.
Có thể thấy, hiện nay nhiều phụ huynh cũng đưa ra ý kiến không chờ đợi việc tiêm vaccine cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Sớm cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết.
Chị Lưu Hà Yến Dung, Intracom Vĩnh Ngọc, Đông Anh cho biết, chị có con nhỏ học lớp 3. Theo chị Dung, 2 năm ở nhà học máy tính không bằng hai tháng đi học. Ngoài kiến thức, trẻ cần phát triển toàn diện về tâm sinh lý tình cảm. Đây là thời gian rất quan trọng và đẹp nhất của trẻ, nếu không đến lớp, không gặp bạn bè, sẽ có nhiều thứ bị phát triển lệch lạc.
Theo kinh nghiệm của chị Dung, con gái chị Dung đã từng bị COVID-19, nhưng chỉ cần thực hiện tốt 5K là tránh được lây nhiễm. Thời gian qua, gia đình chị đã phải dành nhiều thời gian trông con hơn vào ngày thường điều đó ảnh hưởng khá nhiều đến công việc của cơ quan, hay việc kinh doanh. Do đó, chị hoàn toàn ủng hộ với việc Thành phố đã đồng ý cho các em trở lại trường từ ngày 6/4 tới.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng năm học cũng sắp kết thúc vì vậy có thể cho các con học online nốt thời gian còn lại và bắt đầu đi học trực tiếp từ năm học sau.
Trao đổi với phóng viên ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm... Còn phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.
Cũng theo ông Phu, vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính với COVID-19 nhiều một phần vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.
Hiện nay, chúng ta đã chuyển từ chiến lược Zero COVID sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Chuyển từ cấm đoán (cấm các hoạt động, cấm đi lại…) sang kiểm soát rủi ro. Kiểm soát rủi ro khi cho trẻ đến trường là khi trẻ bị nhiễm thì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với trẻ đó và lớp học có trẻ bị F0.
Ông Trần Đắc Phu cũng cho biết, mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ. Chúng ta nới lỏng chứ không buông lỏng. Hiện nay, đối với trẻ chưa tiêm vaccine và không tiêm vaccine thì nhiều quốc gia đã hối thúc đi học.
"Khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để bảo đảm an toàn phòng dịch cho các cháu", ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Cũng theo ông Trần Đắc Phu, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vaccine COVID-19 cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.