UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo, yêu cầu một doanh nghiệp trả lại gần 22.000m2 đất bờ biển dọc đường Trần Phú (TP Nha Trang), đồng thời đề nghị doanh nghiệp ấn định thời gian giao mặt bằng cho địa phương.
Nếu doanh nghiệp không chấp hành, chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế, thu hồi theo quy định, kết quả thực hiện phải báo cáo trước ngày 20/7.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam
- Thực tế, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo chỉ đạo về việc cấm cấp phép cho các dự án ven biển, trong đó đặc biệt nhấn mạnh thu hồi nếu đã cấp vì bờ biển cần thông thoáng. Sau 7 năm, công tác di dời mới được khởi động liệu có muộn thưa ông?
Mặc dù các dự án nghỉ dưỡng ven biển mang lại nguồn lợi lớn cho các địa phương, hấp dẫn khách du lịch và khi được xây dựng đúng quy hoạch của các thành phố vào thời điểm đó. Song, điển hình như câu chuyện dự án chưa đến thời hạn nhưng Nha Trang đã phải tính chuyện di dời các khu nghỉ dưỡng có thể thấy nguồn lợi mà dự án mang đến so với sự ảnh hưởng tới cảnh quan ven biển chênh lệch nhau rất nhiều.
Vốn dĩ, bãi biển là của chung, và hậu quả của việc quy hoạch có tầm nhìn ngắn hạn sẽ khiến cảnh quan bờ biển bị biến dạng hoàn toàn bởi các cấu trúc bê tông mới do chủ đầu tư tạo nên vì lợi nhuận.
Thực tế, mỗi đô thị được hình thành phải "nương tựa vào địa hình tự nhiên" và lợi thế biển là của tất cả người dân, nên nếu tập trung một loạt các dãy cao ốc, resort với mật độ cao sẽ giống như tạo nên một bức tường rào lớn ngăn cách thành phố với biển, phá vỡ sự cân bằng mật độ và hạ tầng đô thị.
Do đó, việc di dời theo chỉ đạo của Thủ tướng là đúng đắn, phải xem xét một cách cẩn trọng để tránh hình thành các rào chắn vật lý giữa thành phố và biển.
Việc rà soát lại quy hoạch ven biển là cần thiết để điều chỉnh, xây dựng quy hoạch có tầm nhìn, mang lại lợi ích kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế tuần hoàn.
- Tuy nhiên, cấp phép và giao đất thực hiện dự án rồi lại thu hồi, bất cập ở đây là gì thưa ông?
Như đã nói, thực tế các dự án ban đầu được chấp thuận đầu tư đúng quy hoạch thành phố thời điểm đó. Điều này cũng cho thấy lỗ hổng về quy hoạch, khi người lập quy hoạch không nhìn thấy được tiềm năng phát triển hàng chục năm về hạ tầng xã hội, phát triển kinh tế của địa phương và cả của vùng.
Hệ quả với cảnh quan thiên nhiên là quá rõ, nhưng đối với các doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư cũng chịu nhiều thiệt hại.
- Thưa ông, hiện các địa phương đang thực hiện Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung, vậy bài toán quy hoạch ven biển thời gian tới sẽ cần chú trọng những gì?
Quy hoạch ven biển Việt Nam phải đáp ứng 4 yếu tố: Đảm bảo cảnh quan của biển, môi trường biển, an ninh quốc phòng và phục vụ cộng đồng. Nhân việc xây dựng quy hoạch chung, việc rà soát lại quy hoạch không gian biển là cần thiết để điều chỉnh, xây dựng quy hoạch có tầm nhìn, mang lại lợi ích kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế tuần hoàn.
Cần thực hiện đúng các cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị COP26, thực hiện các nội dung kết phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đất nước; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển đô thị xanh và giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
- Xin cảm ơn ông!