Triển vọng kinh tế Việt Nam (GDP) năm 2022 đạt từ 6,7-6,9%. Đây là 2 kịch bản cập nhật được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo: “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 – Cải cách và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (15/7) tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (gọi tắt là Aus4Reform).
Các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam qua 6 tháng đầu năm nay. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I và 7,72% trong quý II là những tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ.
Dựa trên các phân tích tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2022 của CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cập nhật. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1 và 6,9% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong kịch bản 1 và tăng 16,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” đã nhấn mạnh lại thông điệp: Cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và phục hồi xanh, gắn với củng cố ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, cần tận dụng giai đoạn phục hồi kinh tế để thúc đẩy chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
“Chuyển đổi xanh có thể diễn ra bất cứ lúc nào, trong dịch và sau dịch. Còn phục hồi xanh thể hiện quá trình chuyển đổi xanh diễn ra ngay trong quá trình phục hồi. Quá trình này có rất nhiều lợi thế, đầu tiên là sự ủng hộ của các bên liên quan, bởi vì nếu như theo mô hình truyền thống, tình hình đang bình thường, mà bảo doanh nghiệp phải chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh chắc là không ai làm, vì người ta đang kiếm rất nhiều lợi nhuận theo mô hình cũ, làm sao có động lực chuyển đổi. Nhưng trong bối cảnh dịch, đòi hỏi thích ứng, thì đấy là một hướng đi trong đại dịch và người ta dễ đồng thuận hơn”, ông Nguyễn Anh Dương nói.