Ngoài vị trí xếp hạng dẫn đầu liên tục về chỉ số PCI, Quảng Ninh còn đang được du khách trong nước và thế giới xem như điểm đến du lịch không thể bỏ qua.
Du khách quốc tế trải nghiệm bay thuỷ phi cơ ngắm cảnh vịnh Hạ Long. Ảnh: TTTT
Cách mà Quảng Ninh làm du lịch cũng khác hẳn với nhiều địa phương khác, đặc biệt cách Quảng Ninh triển khai thu hút đầu tư, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nền kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng cũng rất đột phá.
Ông Nguyễn Tường Văn– Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Quảng Ninh đã thu hút được một khối lượng lớn nguồn lực từ vốn ngoài ngân sách.
Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện nay địa phương có 157 dự án đầu tư hạ tầng du lịch từ các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách đã và đang triển khai, như đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Tuần Châu… Đặc biệt, huyện Vân Đồn thu hút đầu tư những dự án hạ tầng du lịch biển từ nguồn vốn ngoài ngân sách, như: Khu du lịch Hòn Rồng; khu tổ hợp du lịch Sonasea Vân Đồn Harbor City; khu sinh thái Bãi Dài;…
Ngoài việc vận dụng linh hoạt công tác thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đại diện nhiều hội, hiệp hội cũng cho rằng, cơ chế chính sách để thúc đẩy ngành du lịch cũng cần được quan tâm, tháo gỡ hơn nữa trong thời gian tới.
Với quan điểm này, ông Huỳnh Quốc Việt– Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị về đất đai phục vụ phát triển du lịch, cần sớm ban hành khung pháp lý xây dựng cơ sở quản lý khu du lịch quốc gia để địa phương có cơ sở quản lý; đồng thời Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần có hướng dẫn việc thực hiện quy hoạch tổng thể các khu du lịch quốc gia phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng cần rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số; đồng thời điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành du lịch gồm: Trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Hệ thống các kênh quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
Ngoài ra, cần phát huy cơ chế hợp tác công- tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới....; đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch.