Ẩm thực Campuchia có những điểm tương đồng với ẩm thực của các nước láng giềng Việt Nam và Thái Lan, cùng lịch sử lâu đời và độc đáo. Ảnh: Jun Takai
Theo Nikkei Asia, món ăn Campuchia có thể ít gây ấn tượng với nhiều người nước ngoài so với món súp tom yum cay của Thái Lan hay món phở của Việt Nam.
Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này đã phát triển nền ẩm thực độc đáo của riêng mình qua nhiều thế kỷ, tập trung vào cá, gạo và rau được đánh bắt và trồng dọc theo sông Mê Kông.
“Ẩm thực Campuchia có lịch sử lâu đời”, Đại sứ Campuchia tại Nhật Bản, ông Tuy Ry, chia sẻ, trong một lần đến thăm đại sứ quán ở Tokyo vào đầu tháng 7.
“Thực phẩm của chúng tôi đã chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ bắt đầu từ thế kỷ XV, sau thời kỳ đó thì từ Trung Quốc”, ông Tuy Ry nói. “Đổi lại, ẩm thực của chúng tôi cũng đã truyền cảm hứng cho một số món ở nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam.”
Một trong những thành phần quan trọng nhất của ẩm thực Campuchia là một loại mắm có tên prahok (hay còn được biết đến với cái tên Mắm bò hóc), được làm từ những con cá nhỏ đánh bắt ở Hồ Tonle Sap và các nơi khác.
Mắm bò hóc gói trong lá chuối dùng kèm cơm trắng. Ảnh: Wikipedia
Làm prahok thường mất khoảng ba tháng. Công thức làm loại mắm này đã được tìm thấy ở các địa điểm khảo cổ có niên đại từ thế kỷ XII.
Prahok có mùi thơm hăng nồng và càng dậy mùi theo thời gian. Với các bữa ăn được phục vụ tại Đại sứ quán Campuchia, prahok được dùng để tăng thêm hương vị cho món num banh chok, một loại bún với nước dùng có vị cà ri. Mắm cũng có thể được trộn với sả làm nước sốt cho món bít tết.
Lịch sử của prahok gắn liền với sông Mê Kông. Trong mùa mưa từ tháng 6 đến khoảng tháng 10, lượng mưa dồi dào trôi theo dòng sông, chảy vào hồ Tonle Sap, biến hồ lớn nhất Campuchia trở thành một ngư trường trù phú.
“Món mắm này cũng được chế biến thành thực phẩm bảo quản có thể luộc và ăn với cơm trong những lúc bận rộn”, ông Tuy Ry nói.
Num banh chok, một món bún vị cà ri, tinh tuý ẩm thực đường phố Campuchia. Ảnh: adventureinyou.com
Bản thân Num banh chok là một món ăn mang tính biểu tượng của Campuchia, được phục vụ cả trong những dịp trang trọng như đám cưới và tại các quán ăn bình dân đường phố ở các thành phố như Phnom Penh. Một số biến thể nhất định không có nước dùng và được phủ cá nướng lên trên.
Có thể thêm nhiều loại rau và gia vị vào món ăn, từ dưa chuột, giá đỗ cho đến ớt. Khi món này được phục vụ tại đại sứ quán Campuchia, họ đã dùng hoa chuối cắt nhỏ, trộn với prahok, tạo nên sức hấp dẫn độc đáo cho món mì này.
Một món ăn phổ biến khác là cơm với dưa hấu và cá khô, có thể dùng nguyên hoặc nướng sơ. Khi thấy phóng viên Shigeru Seno từ tờ báo Nikkei Asia, đang dùng bữa tại Đại sứ quán Campuchia ở Nhật Bản, ăn ba món này tách biệt nhau, ông Tuy Ry đã ngăn lại.
“Nhìn này, ta phải ăn tất cả cùng nhau,” ông ấy nói. Theo lời kể của ông Shigeru, ban đầu ông còn lưỡng lự nhưng vị ngọt của dưa, vị mặn của cá và độ dẻo của cơm hòa quyện lại tạo nên một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn.
Prahok, loại mắm làm nền cho nhiều món ăn của đất nước, được làm từ cá nước ngọt nhỏ lên men. Ảnh AP
Cũng trong bữa ăn được chiêu đãi tại Đại sứ quán Campuchia, món tráng miệng là bánh pudding bí ngô. Trong tiếng Nhật, từ kabocha có nghĩa là bí ngô, loại cây trồng này được cho là có nguồn gốc từ tên của Campuchia. Các thương gia Bồ Đào Nha đã tới đất nước này vào thế kỷ XV và XVI và mang bí ngô đến Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, món bánh pudding như vậy sẽ được làm bằng sữa. Nhưng bánh pudding Campuchia được làm bằng cách đổ hỗn hợp bí ngô, nước cốt dừa và trứng vào quả bí ngô đã khoét rỗng, sau đó hấp trong 90 phút. Bánh pudding thành phẩm được cắt lát, dùng chung với cà phê đậm đặc từ tỉnh Mondulkiri của Campuchia. Và món bánh này thuần là một món tráng miệng (xóa đi mùi vị của món ăn trước đó) hơn là một món ngọt thông thường.