Các hãng hàng không Việt Nam đang nhắm đến những thị trường "vàng" nào?

Thứ Ba, 21/06/2022 09:27
Các đường bay quốc tế đã được các hãng hàng không từng bước triển khai, nhắm đến những thị trường mới đầy tiềm năng.

Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay mặc dù các thị trường bay quốc tế chưa mở rộng thêm nhưng các đường bay đã được các hãng hàng không từng bước triển khai.

Các hãng hàng không Việt Nam đang nhắm đến những thị trường vàng nào? - Ảnh 1.

Nhân viên an ninh hỗ trợ hướng dẫn hành khách chuyến bay quốc tế tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Phan Công

Trong đó, thị trường Ấn Độ được coi là một thị trường mới đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam và IndiGo của Ấn Độ đã khai thác trở lại đường bay giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt, Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác mới hơn 20 đường bay từ các điểm tại Việt Nam là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc tới các điểm mới tại Ấn Độ là Bangalore, Hyderabad, Ahmedabad, Chennai, Kolkata, Gaya, đồng thời đề nghị tăng tần suất khai thác đến Delhi và Mumbai để khai thác ngay từ tháng 7-2022.

Thị trường Singapore đã được Vietnam Airlines và Vietjet Air từng bước tăng tần suất trên các đường bay từ Hà Nội, TP HCM, đồng thời mở mới đường bay từ Đà Nẵng và Nha Trang trong tháng 5 và 6-2022.

Thị trường Hàn Quốc đang chuẩn bị đón sự khai thác trở lại của các hãng hàng không Hàn Quốc đến Đà Nẵng, Nha Trang, đồng thời Vietjet Air đã được cấp quyền vận chuyển hàng không để khai thác đường bay Đà Nẵng – Busan từ tháng 7-2022;

Thị trường Malaysia sẽ có thêm hoạt động khai thác của Vietjet Air trên 3 đường bay mới từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang đến Kuala Lumpur từ tháng 7-2022.

Đến giữa tháng 6-2022, thị trường hàng không quốc tế có gần 30 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways) khai thác đi/đến 22 quốc gia, vùng lãnh thổ.

So với giai đoạn năm 2019 (trước dịch Covid-19), còn có 4 thị trường chưa mở lại các đường bay thường lệ đi, đến Việt Nam gồm Brunei, Indonesia, Myanmar, Macao (Trung Quốc) và một số thị trường có các chuỗi thuê chuyến theo từng giai đoạn trong năm như Phần Lan, Ý, Thụy Sỹ.

Các hãng hàng không Việt Nam đang nhắm đến những thị trường vàng nào? - Ảnh 2.

Ấn Độ được coi là một thị trường mới đầy tiềm năng của du lịch Việt Nam. Ảnh: Hành khách hào hứng trước chuyến bay tới Việt Nam tại quầy làm thủ tục của sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji Maharaj (Mumbai)

Đại diện Bamboo Airways cho biết kể từ khi Việt Nam chính thức mở cửa toàn bộ mạng bay quốc tế từ 1-2022, hãng đã liên tiếp mở mới 12 đường bay quốc tế mới, kết nối tới các nước châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, châu Úc.

Cụ thể, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Tại Đông Bắc Á: Bamboo Airways đang khai thác các đường bay Hà Nội – Narita (Nhật Bản); Hà Nội – Incheon (Hàn Quốc) với tần suất 7 chuyến khứ hồi/tuần/đường; Hà Nội – Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) với tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần.

Tại Đông Nam Á, Hãng đang khai thác các đường bay TP HCM – Bangkok với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần; TP HCM – Singaporevới tần suất 5 chuyến khứ hồi/tuần, Hà Nội – Singapore tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần.

Tại châu Úc, Bamboo Airways đang khai thác đường bay thường lệ Hà Nội – Melbourne với tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần, là hãng bay Việt Nam đầu tiên và duy nhất khai thác chặng bay thẳng này. Đồng thời, hãng cũng đang khai thác các đường bay TP HCM – Melbourne tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần, dự kiến nâng lên 2 chuyến khứ hồi/tuần từ 28-6; đường TP HCM – Sydney với 1 chuyến khứ hồi/tuần và dự kiến nâng tần suất lên 2 chuyến khứ hồi/tuần từ 1-7.

Tại khu vực châu Âu, Bamboo Airways đang khai thác các đường bay thẳng thường lệ Hà Nội - Frankfurt (Đức) với tần suất 2 chuyến khứ hồi/tuần; Hà Nội – London (Anh) tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần; TP HCM – Frankfurt (Đức) tần suất 1 chuyến khứ hồi/tuần.

Trong thời gian tới, Bamboo Airways sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng mạng bay quốc tế đến nhiều quốc gia trên thế giới, tăng tốc xúc tiến thêm các đường bay tới Đức, Úc, Anh…, kiên định theo đuổi mô hình ưu tiên kết nối liên lục địa, tiếp cận các sân bay cửa ngõ của một quốc gia, hoặc một khu vực.

"Hầu hết các đường bay quốc tế do Bamboo Airways đang khai thác đều cho hiệu quả cao, tỷ lệ lấp đầy tốt"- đại diện hãng cho biết.

Theo lãnh đạo hãng hàng không này, trên thị trường quốc tế, tuy Việt Nam đã mở cửa toàn bộ, nhưng tốc độ mở cửa cũng như động thái hỗ trợ khôi phục du lịch quốc tế của các quốc gia khác còn hạn chế (vẫn còn hiện tượng hạn chế số chuyến bay/số khách nhập cảnh, cũng như thời gian xử lý visa du lịch kéo dài). Vì vậy, thị trường cũng như các hãng hàng không quốc tế tiếp tục cần thêm thời gian để khôi phục so với giai đoạn trước dịch 2019. Tuy nhiên, đây cũng được coi là cơ hội để hãng từng bước chuẩn bị nguồn lực và sẵn sàng tham gia, bắt kịp nhịp độ cạnh tranh của thị trường.

"Bamboo Airways mong muốn kết nối tới mọi châu lục, phát triển các đường bay kết nối đến những điểm đến chưa được khai thác hết tiềm năng, chưa có đường bay thẳng phục vụ, để đáp ứng tối đa nhất nhu cầu đi lại của người dân Việt Nam và quốc tế"- đại diện hãng hàng không cho biết.

Các thị trường mới tại châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Úc và xa hơn là Mỹ đều là một phần trong kế hoạch và được hãng nghiên cứu kỹ lưỡng từ rất sớm và nỗ lực hiện thực hóa từng bước. Đánh giá khả năng khôi phục mạnh mẽ của thị trường hàng không, trong năm 2022, Bamboo Airways lên kế hoạch mở rộng quy mô mạng bay lên 40 đường bay quốc tế.

Còn đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đã khai thác trở lại hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ như trước đại dịch, cũng như mở thêm đường bay mới, cụ thể gồm bay đến: Anh, Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia, Ấn Độ (khai trương hôm 15-6). Đến đầu tháng 7, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia. Hiện Vietnam Airlines tạm dừng khai thác các đường bay Trung Quốc, Myanmar, Nga.

Hãng đặt mục tiêu đến tháng 11-2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…) khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay Châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Dự kiến, đến tháng 11/2023, toàn bộ mạng bay quốc tế sẽ được khôi phục như năm 2019.

"Theo đánh giá của chúng tôi, các thị trường Đông Nam Á cơ bản đã mở cửa nên đang phục hồi nhanh chóng trở lại. Đối với các quốc gia, lãnh thổ vùng Đông Bắc Á, Hàn Quốc đang có tín hiệu phục hồi rất tốt; Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đang có những chính sách mở cửa thông thoáng hơn, được kỳ vọng cũng sẽ phục hồi nhanh. Đối với các điểm đến châu Âu, mức độ phục hồi sẽ chậm hơn do đường bay dài, giá nhiên liệu cao, chi phí máy bay thân rộng lớn, cũng như các vấn đề về lạm phát, chi tiêu tại đây"- đại diện Vietnam Airlines đánh giá.

Theo Dương Ngọc (Người Lao Động)

Tin khác