Báo chí trước thách thức chuyển đổi số

Thứ Ba, 21/06/2022 08:25
Ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - nhận định: Quan điểm về thu phí đọc báo online tại Việt Nam thời gian tới sẽ thay đổi...

* Phóng viên: Thưa ông, chuyển đổi số (CĐS) có thể coi là con đường bắt buộc, tất yếu mà nhiều cơ quan báo chí đang thực hiện để tồn tại và phát triển. Ông đánh giá thế nào về tình hình CĐS của các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay?

Báo chí trước thách thức chuyển đổi số - Ảnh 1.

Nhà báo LÊ QUỐC MINH

- Nhà báo LÊ QUỐC MINH: Một số cơ quan báo chí đã CĐS khá lâu, đạt được những hiệu quả nhất định. Có thể kể đến VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam và một số tờ báo khác. Tuy nhiên, số cơ quan báo chí thực sự hiểu về CĐS và có những bước đi về CĐS không nhiều. Một tỉ lệ lớn các cơ quan báo chí hiện nay vẫn làm báo theo cách thức truyền thống hoặc chưa có sự hiểu biết rõ về CĐS nên tưởng mình đã đi trên con đường CĐS rồi, song thực ra không phải như vậy. Việc hiện diện trên internet thông qua website hay một số ứng dụng mới chỉ là những bước đi rất nhỏ của CĐS.

Chính vì chưa hiểu về CĐS nên nhiều cơ quan báo chí băn khoăn mình phải bắt đầu từ đâu, cần làm cái gì? Rất nhiều đơn vị cho rằng CĐS là quá trình tốn kém, với năng lực nhất định của họ, đặc biệt là các cơ quan báo chí quy mô nhỏ và vừa, thì luôn e ngại tốn kém, nên sẽ không CĐS được. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải cứ CĐS là mất nhiều tiền, phải mua những máy móc, công nghệ hiện đại, xây dựng đội ngũ lập trình, nhân viên kỹ thuật đông đúc… Đây là câu chuyện chuyển đổi về mặt tư duy.

Khi người dùng đã chuyển sang các nền tảng số, xa rời những nền tảng truyền thống, bớt đọc báo in, bớt xem truyền hình, nghe kênh phát thanh và ngay cả website của các cơ quan báo chí độc giả cũng không truy cập trực tiếp nữa thì các cơ quan báo chí phải chạy theo sự thay đổi hành vi của người dùng. Khi người dùng đã chuyển đổi hành vi, môi trường tiếp thu thông tin đã thay đổi mà cơ quan báo chí vẫn duy trì nền tảng cũ thì sẽ mất người dùng.

Thực tế, nếu chúng ta đặt quan điểm người dùng là trên hết, chúng ta coi việc phụng sự bạn đọc, khán thính giả là trên hết, nghĩ ra cách thức để phục vụ họ một cách hiệu quả nhất, tốt nhất thì chúng ta sẽ không quan tâm đến câu chuyện CĐS hay là gì cả, việc đi lên nền tảng kỹ thuật số là quá trình hết sức tự nhiên trong thời đại internet hiện nay. Với quan điểm người dùng ở đâu, báo chí ở đó, nếu người dùng đi sang một nền tảng mới thì chúng ta cũng phải hiện diện, thậm chí còn đi trước họ để có những nội dung chờ đón họ trên nền tảng đó.

Nhưng thời buổi hiện nay, digital không phải nền tảng duy nhất mà chúng ta vẫn phải đi theo quan điểm đa nền tảng. Một cơ quan báo in vẫn có lượng độc giả nhất định, một kênh phát thanh - truyền hình vẫn có lượng khán thính giả nhất định thì chúng ta vẫn phải tiếp tục phục vụ họ. Nhưng nếu chỉ nhắm đến những người trung thành với chúng ta trên những nền tảng truyền thống thì chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều đối tượng trên nền tảng khác.

Báo chí trước thách thức chuyển đổi số - Ảnh 2.

Tọa đàm “Báo chí chuyển đổi số để phát triển bền vững”, do Hội Nhà báo TP HCM, Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học TP HCM phối hợp tổ chức sáng 23-12-2021. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

* Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) hỗ trợ gì cho báo chí CĐS, thưa ông? Và với sự hỗ trợ này thì kỳ vọng đặt ra là gì?

- CĐS phải bắt nguồn từ nhu cầu tự thân của cơ quan báo chí, tự họ phải thấy nhu cầu thay đổi thì mới thôi thúc họ xây dựng kế hoạch phù hợp. Thực ra không có công thức chung hay con đường chung nào cho CĐS, mỗi cơ quan báo chí dựa vào các nhu cầu, thế mạnh, mục đích của mình để chủ động trong quá trình CĐS để tồn tại và phát triển.

Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ TT-TT chỉ có thể định hướng, gợi mở hoặc hỗ trợ về khung pháp lý chứ không thể làm thay các cơ quan báo chí. Bộ TT-TT đang xây dựng kế hoạch trình lên Chính phủ với nhiều gợi mở, định hướng CĐS cho các cơ quan báo chí, từ đó các cơ quan báo chí có thể tham khảo nhằm xây dựng đề án cho phù hợp. Hội Nhà báo Việt Nam có thể tổ chức các khóa học đào tạo cấp cao để thay đổi tư duy chiến lược của lãnh đạo các cơ quan báo chí hay đào tạo quy mô cấp thấp, cấp trung để các nhà báo có thể biết nhiều hơn về những kỹ năng làm báo hiện đại, về công nghệ mới.

* Thu phí hiện nay là con đường nhiều cơ quan báo chí đang tính đến. Nhưng làm thế nào để bán nội dung thành công là một câu hỏi không dễ trả lời…

- Nhiều chuyên gia đã khẳng định sai lầm lớn nhất của báo chí từ nhiều năm trước là tung mọi thứ lên internet cho độc giả đọc miễn phí. Quyết định này đã khiến người dùng tạo thói quen cố hữu rằng lên mạng là không mất tiền và không dễ thay đổi thói quen đó.

Báo chí đang vấp phải một thực tế đau thương là doanh thu quảng cáo giảm sút, không chỉ báo in mà cả báo điện tử. Phần lớn chi phí quảng cáo digital toàn cầu đã rơi vào túi hai ông lớn công nghệ là Google và Facebook. Lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam có tư duy cái gì diễn ra trên thế giới thì phải mất 4-5 năm mới xảy ra ở Việt Nam và sự đi xuống cũng sẽ theo hướng từ từ, nhiều người cũng có suy nghĩ có lượng truy cập cao trên báo điện tử thì sẽ có nhiều tiền quảng cáo. Thực tế không phải vậy, quảng cáo hiển thị (display banner) đã chết, quảng cáo tự động thì chảy phần lớn vào túi Facebook, Google và lượng phát hành của báo in tại Việt Nam thì không giảm từ từ mà đột ngột theo chiều thẳng đứng.

Trong bối cảnh nguồn thu từ quảng cáo báo in sụt giảm còn nguồn thu từ quảng cáo digital không bù đắp được phần giảm sút từ báo in, nhiều cơ quan báo chí lớn trên thế giới hướng đến trọng tâm là nguồn thu từ độc giả, mà phí đọc nội dung digital là một trong số đó. Tuy nhiên, để thu phí đọc báo ở Việt Nam không hề đơn giản. Thứ nhất, các cơ quan báo chí chưa tạo ra được những sản phẩm đặc sắc đủ để khiến người dùng phải "móc ví". Thứ hai, phương thức thanh toán hiện nay cũng chưa tối ưu, thuận tiện.

* Vậy bài toán thu phí đọc báo và lớn hơn là câu chuyện kinh tế báo chí cần được giải như thế nào, thưa ông?

- Trước hết, cần sự thay đổi tư duy từ các cơ quan sản xuất nội dung. Các cơ quan báo chí phải đầu tư để sản xuất ra các nội dung thực sự hữu ích, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người đọc.

Ban đầu, có thể thử nghiệm bằng nhiều hình thức, như một số nội dung cho đọc miễn phí sau đó thu phí hoặc thu "cứng", đọc đến đâu thu đến đấy. Rõ ràng nếu không thử thì không thể biết mình có thành công hay không. Việc thu phí sẽ phải đồng hành và gắn chặt với việc bảo vệ tác quyền của các cơ quan báo chí.

Nhưng tôi cũng phải nói thêm là thu phí báo điện tử chỉ là một phần trong nguồn thu từ độc giả. Đây cũng không phải phao cứu sinh cho tất cả các tờ báo, bởi không có gì bảo đảm thành công 100%. Trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo cho báo in giảm sút, không gì cứu vãn nổi, doanh thu quảng cáo online dù tăng với tốc độ khá cao nhưng tỉ lệ vẫn quá nhỏ nên không thể bù lại khoản mất đi từ báo in; việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có chiến lược thu phí báo điện tử, là điều cần được các cơ quan báo chí tính đến.

Có thể trước mắt chúng ta chưa kỳ vọng nhiều vào dịch vụ này, chúng ta chưa có được nguồn thu lớn từ việc thu phí, song cần có thời gian giúp thị trường làm quen với việc trả tiền để đọc nội dung báo chí online, giống như mọi người vẫn trả phí để xem phim hay nghe nhạc. Tôi tin rằng quan điểm về thu phí đọc báo online tại Việt Nam thời gian tới sẽ thay đổi. 

Tờ báo phải sản xuất nội dung thật sự có giá trị, khi độc giả thấy nguồn tin những nội dung tốt, chất lượng cao, hữu ích với họ thì họ sẽ chi tiền”.

Nhà báo LÊ QUỐC MINH 

Yếu tố quyết định là sự dẫn dắt của ban lãnh đạo

Không phải cơ quan lớn mới có tiềm lực tài chính, có khả năng CĐS. Thực tiễn cho thấy cơ quan lớn, bộ máy cồng kềnh chưa chắc có khả năng triển khai mạnh mẽ. Trong khi đó, các cơ quan nhỏ dù không thể xây dựng bộ máy có công nghệ đồ sộ nhưng lại hoàn toàn có thể thuê ngoài thông qua sự hợp tác với các đối tác công nghệ chiến lược để xây dựng hệ thống quản lý, quản trị từ quy trình kiểm soát nội dung, kiểm soát ngân sách quảng cáo đến quy trình phối hợp hoạt động nội bộ hiệu quả và cách thức này hoàn toàn có thể làm với khoản kinh phí khiêm tốn. Quan trọng hơn cả là sự dẫn dắt của ban lãnh đạo trong việc quyết tâm CĐS, đóng vai trò là yếu tố quyết định thúc đẩy quy trình CĐS trong tòa soạn.

Theo Yến Anh (Người Lao Động)

Tin khác