Những sản phẩm du lịch độc đáo đang dần hình thành tại Bình Thuận
Những điểm sáng
Trải qua chặng đường dài 30 năm, cùng với sự đổi mới của Bình Thuận, ngành du lịch đã có những bước phát triển đầy ấn tượng, khẳng định thế mạnh vượt trội khi là một trong 3 trụ cột phát triển chính của địa phương. Vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Những năm gần đây, làn sóng rót vốn vào các dự án bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp của hàng loạt tập đoàn lớn trong và ngoài nước khiến bộ mặt tỉnh Bình Thuận thay đổi từng ngày. Hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ khiến địa phương đang trở thành tâm điểm đầu tư với hàng loạt dự án du lịch đang được triển khai...
Nhìn một cách tổng thể, các điểm đến gắn với phát triển du lịch - thể thao biển của Bình Thuận như Khu du lịch Bình Thạnh - Cù Lao Câu (Tuy Phong), Khu du lịch Cam Bình (La Gi), với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tùy theo vị trí, thế mạnh về thiên nhiên, khí hậu của từng vùng mà phát triển phù hợp các hoạt động thể thao biển giải trí như lặn biển, câu cá, tàu đáy kính...
Bình Thuận cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các bộ môn thể thao trên cạn như bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, bóng ném bãi biển, chạy việt dã...; các môn thể thao giải trí trên biển, lặn biển, mô tô nước (Jetski sport), trượt nước (Waterski), dù lượn, ván chèo đứng (SUP Race)... và các hoạt động thể thao giải trí khác.
Tỉnh Bình Thuận khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án, công trình thể thao, đặc biệt là bến du thuyền nhằm tạo ra sản phẩm du lịch - thể thao biển độc đáo, hiện đại để có thể đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc gia, khu vực và quốc tế.
Với sự phát triển của hạ tầng và sự tham gia đầu tư của nhiều nhà phát triển bất động sản hàng đầu, Bình Thuận cũng có tiềm năng phát triển mạnh các loại hình như du lịch hội nghị - hội thảo (MICE), du lịch thể thao và đặc biệt là du lịch golf. Trong đó, du lịch golf hứa hẹn góp phần nâng cao vị thế cho du lịch địa phương, cung cấp sản phẩm du lịch phong phú hơn, cao cấp hơn, giúp kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, đem lại nguồn thu lớn, tạo việc làm và hàng loạt lợi ích kinh tế - xã hội khác.
Các chuyên gia nhận định, với sự ưu ái của thiên nhiên cùng chiến lược phát triển bài bản, quy hoạch lâu dài, định hướng phát triển hạ tầng đồng bộ và chính sách thu hút đầu tư cởi mở, Bình Thuận đang đứng trước rất nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói.
Thương hiệu du lịch Phan Thiết “phát sáng”
Từ chỗ hầu như không có gì, sau 30 năm, du lịch Bình Thuận đã có sự phát triển liên tục với những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, địa phương này đã ghi tên trong danh sách 10 tỉnh du lịch nổi bật của Việt Nam, Mũi Né trở thành 1 trong 6 khu du lịch quốc gia của cả nước. Du lịch biển đã trở thành một thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch của Bình Thuận phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có hơn 380 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký khoảng 70.220 tỷ đồng, trong đó có 22 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 11.230 tỷ đồng.
Số liệu thống kê cũng cho thấy, hàng trăm cơ sở lưu trú được đầu tư chủ yếu từ nguồn lực kinh tế tư nhân với gần 17.600 phòng đã tạo sức bật mới cho ngành du lịch địa phương. Đó còn chưa kể hơn 550 căn hộ, 315 biệt thự, 400 cơ sở ăn uống, mua sắm… sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cùng lúc cho hàng chục ngàn du khách vào các đợt cao điểm lễ, tết.
Với tầm nhìn trở thành siêu thành phố biển - du lịch - sức khỏe, Phan Thiết dần trở thành điểm đến hàng đầu thế giới, với sự xuất hiện của những dự án du lịch “khủng”, như Centara Mirage Resort Mui Ne, Sân golf PGA NovaWorld, Anantara Mui Ne Beach Resort & Spa… Sắp tới, một số tổ hợp sẽ hoàn thành, có thể xem là “điểm nhấn” của du lịch địa phương như NovaWorld Phan Thiết (diện tích 1.000 ha, tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD), Apec Mandala Wyndham Mũi Né (quy mô 4 tòa nhà cao 29 tầng, với gần 3.000 căn phòng)…
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, sau 30 năm tái lập tỉnh, địa phương đang dần hình thành những sản phẩm du lịch đặc biệt và độc đáo. Việc Chính phủ chính thức quy hoạch Mũi Né là khu du lịch quốc gia là một thành tựu tổng thể của địa phương.
Theo ông Nhân, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận hướng tới trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Thêm vào đó, tỉnh nỗ lực đăng ký đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023.
Cùng với quá trình xây dựng Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, về lâu dài, Bình Thuận phải tính toán quy hoạch lại không gian du lịch bài bản hơn, tránh tình trạng đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đẳng cấp; khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng về biển, cảnh quan thiên nhiên, những đặc trưng văn hóa để làm phong phú hơn các loại hình du lịch, đẩy mạnh phát triển những loại hình du lịch đang có sức hấp dẫn du khách, như du lịch thể thao biển, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp, sinh thái… - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An |