Một tuần cuối tháng 1, Nancy Napier, đến từ Mỹ, có dịp ghé Hà Nội. Vị khách 71 tuổi nghỉ trong một khách sạn giữa trung tâm thành phố, nơi bà dễ dàng đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm, tìm quán ăn ngon và tự thưởng cho mình những phút massage thư giãn tại một spa nào đó.
Khác với những chuyến công tác trước đây đến Hà Nội trong vai trò của một giáo viên, nhà nghiên cứu hay chuyên gia tư vấn..., lần này Nancy là một khách du lịch thực sự. "Đó là lần đầu tiên trong hơn hai mươi năm đến Việt Nam tôi không đi công tác", bà chia sẻ. Nancy Napier là giáo sư, nguyên Giám đốc điều hành Trung tâm Đổi mới và Sáng tạo tại Đại học Boise (BSU) tại Mỹ.
Một sáng tại khách sạn, khi đang dùng điểm tâm, Nancy tình cờ nói chuyện với một cô gái trẻ có nụ cười rạng rỡ. Cô phục vụ cà phê cho bà và hỏi về kỳ nghỉ tại Hà Nội. Nancy kể rằng mình thích đi dạo quanh Bờ hồ vào ngày cuối tuần, khi đường phố cấm xe cộ.
"Nhưng họ thường tổ chức biểu diễn ở đó. Tôi không thích vậy. Quá đông đúc, quá ồn ào", bà nói và hỏi liệu cô gái có gợi ý nào khác hay không. "Tôi sẽ đến một nhà sách bí mật", cô gái nói.
Nancy cảm thấy như cô gái trẻ này nhìn thấu mình. "Khỏi phải nói tôi yêu sách đến mức nào. Chồng tôi hàng chục năm qua vẫn đùa rằng nếu lấy vợ hai, ông ấy sẽ lấy người mù chữ để tránh khỏi cảnh phải đem theo tất cả sách đi khắp đất nước", bà bày tỏ.
Theo chỉ dẫn của cô gái trẻ, Nancy tìm đến phố sách Đinh Lễ, bước vào một con hẻm nhỏ tối tăm. Bình thường không bao giờ đi vào những không gian như vậy, nhưng khi thấy trang giấy viết tay gắn trên cánh cổng, kèm mũi tên chỉ lên một cầu thang, Nancy cứ tiến lên.
Đi qua một lối hành lang dài, nữ du khách tìm thấy "hiệu sách bí mật". Cởi giày, Nancy bước vào hiệu sách nhỏ có gác hai bằng gỗ, mọi giá chèn kín sách. Một cô gái trẻ đứng ở quầy sách tiếng Anh hơn ba mươi phút để lựa. Một người khác đi qua hàng chồng sách thiếu nhi xếp trên sàn, trong đó có rất nhiều truyện cổ Grimm nhưng ít tranh ảnh hơn phiên bản tiếng Đức Nancy thường thấy.
Nhà sách Mão có 5 gian rộng khoảng 200m2. Du khách có thể tìm thấy rất nhiều loại sách từ văn học Việt Nam, sách ngoại văn, sách thiếu nhi, kỹ năng sống đến sách giáo khoa. Nơi này mở cửa từ 9h30 đến 19h hàng ngày.
Nancy dành một giờ chìm đắm trong gian phòng thơm mùi sách. "Đó là đoạn kết hoàn hảo cho ngày cuối tuần. Và cơ duyên này đến nhờ một cô gái trẻ dừng lại trò chuyện với tôi trong khách sạn", bà viết.