Theo chân những phụ nữ lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An

Thứ Bảy, 18/02/2023 18:43
Ninh Bình - Ngày cuối tuần, khách du lịch tới tham quan tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) cũng đông hơn ngày thường. Tại bến thuyền Tràng An, hàng nghìn phụ nữ làm nghề chèo đò ở đây cũng tất bật hơn...
Theo chân những phụ nữ lái đò tại Khu du lịch sinh thái Tràng An
Bến thuyền Tràng An (Ninh Bình) ngày cuối tuần luôn tấp nập và nhộn nhịp. Ảnh: Diệu Anh

Có mặt tại Khu du lịch sinh thái Tràng An vào sáng 18.2, vì là ngày nghỉ cuối tuần nên ngay từ sáng sớm, khu vực bến thuyền của khu du lịch này đã tấp nập và nhộn nhịp hơn những ngày thường rất nhiều.

6h30 sáng, chị Nguyễn Thị Tươi (47 tuổi) cũng như nhiều lái đò khác ở Khu du lịch sinh thái Tràng An đang tất bật chuẩn bị hành trang cho một ngày làm việc bận rộn. Hành trang cho một ngày làm việc của họ gồm: Áo phao, ô dù, áo mưa, nước uống và hộp cơm đã chuẩn bị sẵn.

Lái đò phát áo phao cho du khách. Ảnh: Diệu Anh
Lái đò phát áo phao cho du khách. Ảnh: Diệu Anh

Sau khi mua vé, chúng tôi được xếp lên thuyền của chị Tươi cùng với 4 du khách khác. Vừa bước lên thuyền, chị Tươi phát áo phao cho mọi người rồi nhắc nhở mọi người ngồi đúng vị trí để cho cân thuyền. Sau khi đã mặc áo phao và ổn định chỗ ngồi, chị Tươi bắt đầu vung mái chèo theo dòng nước trong xanh của dòng Sào Khê, luồn lách qua các hang động, đưa du khách đi tham quan vẻ đẹp non nước hữu tình của danh thắng Tràng An.

Trên suốt hành trình cả đi và về dài 15km, với gần 3 giờ đồng hồ, vừa chèo thuyền, chị Tươi vừa giới thiệu cho chúng tôi một cách tỉ mỉ về văn hóa sinh, lịch sử của vùng đất Tràng An non nước hữu tình. Từ sự tích Hang Ba Giọt đến những câu chuyện lịch sử về Phủ Khống, Đền Trình… Tất cả đều được chị Tươi giới thiệu không kém gì một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

"Nghề chèo đò tuy vất vả nhưng thu nhập mang lại cũng đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Ở đây, có gia đình cả 2 vợ chồng đều làm nghề chèo đò. Mỗi chuyến, chúng tôi được trả công 200.000 đồng, nhiều khi còn được du khách  bồi dưỡng thêm" - chị Tươi vui vẻ nói.

Niềm vui của những lái đò ở Tràng An khi kết thúc hành trình đưa du khách đi tham quan và trở về bến an toàn. Ảnh: Diệu Anh
Niềm vui của những lái đò ở Tràng An khi kết thúc hành trình đưa du khách đi tham quan và trở về bến an toàn. Ảnh: Diệu Anh

Ngồi trên thuyền, đi xuyên qua nhiều hàng động nhưng chị Tươi vẫn luồn lách một cách điệu nghệ, dường như chị nhớ tường tận đến từng vị trí các khúc cua, những chỗ nhũ đá nhô xuống. Thuyền đi trong hang, thi thoảng chị Tươi lại nhắc những câu quen thuộc như: "Phía trước có nhũ đá, các bác cuối đầu xuống chút nhé"; "phía trước là khúc cua, các bác nghiêng người sang bên trái một chút"...

Khi được hỏi về kỹ thuật chèo đò, chị Tươi cho biết, để được nhận vào làm ở đây, trước tiên những lái đò như chị phải trải qua một khóa đào tạo ngắn hạn, khi vượt qua được các bài thi sát hạch thì mới được cấp chứng chỉ.

"Cái quan trọng nhất của nghề này không phải là dùng sức khỏe mà phải có kỹ thuật, vì chủ yếu là đi trong hang động có muốn chèo nhanh cũng không được mà phải có kỹ thuật để luồn lách tránh cho du khách không bị va vào các nhũ đá trong hang" - chị Tươi chia sẻ.

Kết thúc hành trình tham quan, khám phá Khu du lịch sinh thái Tràng An kéo dài gần 3 giờ đồng hồ, quay trở về bến thuyền mặc dù rất mệt nhưng trên khuôn mặt chị Tươi vẫn nở nụ cười, tiễn chúng tôi lên bờ an toàn kèm theo những lời chào và những cái bắt tay, cái ôm thân thiện.

Phút nghỉ ngơi, thư giản của những lái đò ở Tràng An. Ảnh: Diệu Anh
Phút nghỉ ngơi, thư giãn của những lái đò ở Tràng An. Ảnh: Diệu Anh

Vừa đặt chân lên bờ tại bến thuyền Tràng An, trong lúc ngồi nghỉ để ra xe về, tôi bắt gặp chị Vũ Thị Ngát (57 tuổi), chị Ngát cũng là một nhân viên lái đò tại Khu du lịch Tràng An. Vừa kết thúc hàng trình chèo đò dài 15km, chị Ngát tranh thủ ngồi ngay ở ghế đá tại bến thuyền để ăn trưa.

Chị Ngát cho hay: "Hầu hết lái đò ở đây đều chuẩn bị cơm từ nhà và mang theo để ăn trưa. Có khi đến bữa mà khách vẫn đang đi tham quan chưa về đến bến, chúng tôi tranh thủ lúc ngồi đợi khách vào các đền, phủ tham quan thì ngồi ăn ngay trên thuyền.

Bữa trưa cũng rất đơn giản, chỉ cơm, canh và một ít thức ăn mặn, ăn xong còn tranh thủ nghỉ ngơi, rồi lại tiếp tục công việc. Ở đây, mỗi ngày một người chỉ chèo tối đa được 2 chuyến vì quãng đường dài nên rất mệt" - chị Ngát nói.

Hiện, tại Khu du lịch sinh thái Tràng An có gần 3.000 nhân viên lái đò phục vụ khách du lịch. Đa phần là những phụ nữ trung niên và đều là người địa phương. Công việc của các họ thường bắt đầu từ 6h sáng cho đến tối mịt. Mỗi chuyến họ được trả công 200.000 đồng.

 

Theo Diệu Anh (Lao Động)

Tin khác