"Đũa thần" của du lịch Việt Nam, giờ đang ở đâu?

Thứ Hai, 11/05/2020 18:33
Trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, du lịch bị tác động sớm và toàn diện nhất, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam. Ngay từ đầu tháng 2, giới kinh doanh du lịch tại Việt Nam đã nhìn thấy tình cảnh "mây che trên đầu"...

Nếu không có dịch Covid-19, ngành du lịch với hệ sinh thái lớn, từ nhà tổ chức, khách sạn, vận tải, chuỗi cung ứng thực phẩm… sẽ đóng góp 10% GDP, tương đương 40 tỷ USD. Giới kinh doanh nhận định, khác với các lĩnh vực kinh tế khác, khó khăn của du lịch Việt Nam còn kéo dài; phải hết năm 2020, nếu thế giới hết dịch Covid-19 vào tháng 7.

Những ngày dài u ám

Ông Trương Nam Thắng, chuyên gia cao cấp của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ đã vẽ lại lộ trình khủng hoảng của du lịch Việt Nam -  kể từ khi Chính phủ công bố dịch (tháng 2/2020) cho đến lúc nới lỏng cách ly xã hội vào cuối tháng 4/2020.

"Đũa thần" của Du lịch Việt Nam giờ đang ở đâu? - Ảnh 1.

Biển Nha Trang những ngày tháng Tư. Ảnh: Thanh Uyên.

Từ giữa tháng 2/2020, giới kinh doanh dịch vụ du lịch đã cảm nhận sự suy giảm rõ rệt trong kinh doanh. Tâm lý lo âu xuất hiện ngày càng rõ nét. Vừa vào đầu mùa dịch, chỉ riêng Đà Nẵng đã có 23.500 nhân viên du lịch thất nghiệp.

Hai tháng 3 và 4, giai đoạn Chính phủ quy định các biện pháp giãn cách xã hội ở mức độ nghiêm ngặt để phòng chống dịch, đã buộc toàn bộ các cơ sở dịch vụ du lịch phải đóng cửa. Điều đó đồng nghĩa các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… không có thu nhưng vẫn phải chi tiền thuê mặt bằng, nhân viên...  

Tính hết quý I, 98% doanh nghiệp lữ hành quốc tế dừng hoạt động. Công suất phòng của các cơ sở lưu trú chỉ còn 20% (do tháng 1 vẫn còn đón được khách, nhất là khách nước ngoài). Một số điểm du lịch chủ yếu đón khách trong mùa lễ hội đầu năm mất 80-90% doanh thu của cả năm. Hàng trăm nghìn lao động thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp du lịch đứng trước nguy cơ phá sản vì hơn 80% doanh nghiệp của du lịch Việt Nam nằm trong nhóm nhỏ và vừa.

Trò chuyện với PV Dân Việt, bà Tuyết Hoa, chủ một khách sạn nhỏ (8 phòng) tại Đà Lạt cho biết: "Từ tháng 3 đến hết tháng 4, dù không thu được đồng nào nhưng tháng nào cũng phải chi 250 triệu đồng gồm: tiền thuê mặt bằng, lương của 5 nhân viên, tiền điện và nước. Mấy ngày cuối tháng 4, khi Chính phủ nới lỏng cách ly xã hội, cộng vào đó là những ngày nghỉ nên kín phòng. Còn bây giờ… lại vắng khách. Chưa biết bao giờ sẽ như năm ngoái".

Theo tính toán của ông Thắng, trong quý 1, ngành du lịch Việt Nam thất thu chừng 3,1 tỷ USD. Còn trong năm 2020, dự báo du lịch Việt Nam có thể giảm doanh thu từ 24 - 29 tỷ USD.

Không dám nhìn xa

Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc công ty du lịch Vietmark nói với PV: "Khi chưa có vaccine và thuốc đặc trị dành cho Covid-19, chưa thể nào yên tâm về dịch bệnh này. Do vậy, chỉ có thể nói ngắn hạn 3 – 6 tháng tới. Với tầm nhìn ngắn như vậy, không thể đầu tư lớn cho ngành du lịch".

"Đũa thần" của Du lịch Việt Nam giờ đang ở đâu? - Ảnh 2.

Dù đã tháo dỡ lệnh giãn cách xã hội nhưng một resort ở Phan Rang (Ninh Thuận) vẫn vắng khách. Ảnh: Nông Dũng

Với hơn 30 năm làm việc trong Tổng cục Du lịch, ông Nam Thắng khẳng định: "Chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam khó khăn như năm nay. Tại thời điểm này vẫn còn nhiều quốc gia là nguồn gửi khách du lịch chính của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn cao điểm của dịch. 

Một số quốc gia bắt đầu tháo gỡ các quy định giãn cách xã hội, mở cửa biên giới nhưng việc mở lại các tuyến bay quốc tế vẫn là câu hỏi mở với nhiều lo ngại. Không thể tính đến chuyện khách du lịch đến Việt Nam vào tháng 10/2020 vì còn vướng thủ tục xuất nhập cảnh, hàng không... Giả định thời gian đó, nước ta mở cửa đón khách nhưng nước họ chưa ổn định dịch, liệu ta có dám đón khách không?".

Tác động của dịch Covid-19 đã làm xáo trộn thời gian biểu của nhiều ngành nghề, trong đó có du lịch. Với diễn tiến của dịch Covid-19 đã qua tại Việt Nam, giới kinh doanh du lịch cho rằng, không còn cơ hội kiếm tiền từ mùa du lịch hè ra nước ngoài (outbound) và nội địa vì khách hàng không còn thời gian và quan trọng nhất là… không còn tiền! Ông Thắng chia sẻ những số liệu mà giới kinh doanh du lịch đang quan tâm: 20% dân số cả nước bị giảm sâu về thu nhập, 70% khách được hỏi sẽ cân nhắc lại ngân sách dành cho du lịch.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch hiện nay "án binh bất động". Ông Thắng kể một câu chuyện: Ngày 1/2/2020, một người bạn thuê một khách sạn 30 phòng có hỏi về tình hình dịch Covid-19. Sau khi nắm thêm thông tin về công suất phòng, chi phí, giá thuê..., ông Thắng khuyên người bạn hãy chấp nhận mất khoản tiền đặt cọc.

Quanh quẩn sau "lũy tre làng"

Theo nhiều chuyên gia, trong năm 2020, khách nội địa chính là "đũa thần" của du lịch Việt Nam. Năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Du lịch, đã có 85 triệu lượt khách nội địa. Vậy, trong năm 2020, lượng khách du lịch nội địa là bao nhiêu? Làm sao khai thác lượng khách nội địa trong tình cảnh của năm 2020?

Nhiều khách du lịch chọn hình thức du lịch tự túc, vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa tiết kiệm thời gian. Trong ảnh: Ngủ đêm ở bãi biễn Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Ảnh: Triều Nguyên

Nhiều khách du lịch chọn hình thức du lịch tự túc, vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa tiết kiệm thời gian. Trong ảnh: Ngủ đêm ở bãi biễn Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Ảnh: Triều Nguyên.

Theo thông tin mới nhất từ giới kinh doanh, vào tháng 6 tới, Tổng cục Du lịch sẽ có chương trình kích cầu với chủ đề "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Trong chương trình này, Tổng cục kêu gọi các địa phương có chính sách miễn lệ phí tham quan, giảm giá dịch vụ… Còn tại cuộc họp giữa Chính phủ và doanh nghiệp vào ngày 9/5, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch hội đồng quản trị Vietravel đã đề nghị ngành giáo dục sắp xếp có "một tháng hè" để cứu ngành du lịch.

Với hai câu hỏi trên, ông Tuấn Anh cho rằng, từ nay đến hết năm 2020, khách nội địa chỉ là những nhóm khách lẻ, chừng 20 – 30 người với những yêu cầu khác biệt như phục vụ riêng, ăn uống riêng… . Vì họ vẫn còn e ngại với dịch Covid-19 và những hệ lụy của dịch từ đầu năm đến nay về thu nhập, thời gian... "Trong năm nay, khó có những đoàn khách du lịch trên 100 người như những năm trước", ông Tuấn Anh nhận định. Cũng theo ông Tuấn Anh, vì giá xăng và giá thuê xe rẻ…, nên nhiều nhóm khách sẽ tự đi chơi riêng, không thông qua các công ty dịch vụ.

"Đũa thần" của Du lịch Việt Nam giờ đang ở đâu? - Ảnh 4.

Sân bay Phù Cát (Bình Định) chỉ vài bóng người hôm 9/5/2020. Ảnh: Kiến Nam

Với góc nhìn riêng, ông Nam Thắng cho rằng, du lịch là ngành kinh tế có khả năng phục hồi nhanh nhất. Nhưng theo chuyên gia lão làng này, "Nhu cầu, thị hiếu và xu hướng của khách du lịch nội địa hậu Covid-19 của những tháng còn lại của năm 2020 cần có nghiên cứu sâu hơn từ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, để từ đó có những chính sách hỗ trợ thiết thực và có giá trị cho nhiều bên tham gia". 

Theo Dân Việt

Tin khác