Ước tính thiệt hại 5.672 tỷ đồng vì Covid-19, du lịch Đà Nẵng định hướng tập trung vào khách nội địa

Thứ Tư, 13/05/2020 15:46
Theo số liệu của Sở Du lịch Đà Nẵng, quý I/2020, tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành du lịch Thành phố khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Ước tính lũy kế quý II/2020, tổng thiệt hại lên tới 5.672 tỷ đồng.

Ước tính thiệt hại 5.672 tỷ đồng vì Covid-19, du lịch Đà Nẵng định hướng tập trung vào khách nội địa

Theo tin từ Cổng thông tin TP. Đà Nẵng , ngày 12/5, Sở Du lịch thành phố đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành nhằm khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn sau ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Chỉ 15,5% cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, trong quý I/2020, tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành du lịch thành phố khoảng hơn 1.859 tỷ đồng.

Lũy kế quý II/2020, ước tính tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng; trong đó, ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; tại các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỷ đồng.

4 tháng đầu năm 2020, tổng khách tham quan du lịch Đà Nẵng đạt xấp xỉ 1 triệu lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 575.000 lượt, giảm 50% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 493.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu du lịch giảm 51% so với cùng kỳ 4 tháng 2019.

Trước những khó khăn do dịch bệnh, Sở Du lịch Đà Nẵng nhận định sẽ cần một thời gian dài nữa để khắc phục những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Hiện mới có khoảng 150/968 (tương đương 15,5%) cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố đang hoạt động, trong đó có khoảng 50 cơ sở lưu trú du lịch mới mở cửa hoạt động trở lại sau khi Chính phủ và UBND TP. Đà Nẵng thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép hoạt động đón khách trở lại từ ngày 23/4.

Ước tính thiệt hại 5.672 tỷ đồng vì Covid-19, du lịch Đà Nẵng định hướng tập trung vào khách nội địa - Ảnh 1.

Đà Nẵng đang triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, trong đó có chiến dịch "See you in Da Nang" nhằm quảng bá hình ảnh du lịch thành phố - điểm đến an toàn, thân thiện

Thị trường khách nội địa là đòn bẩy khôi phục ngành du lịch

Trong bối cảnh Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn thành công dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh tại khu vực và thế giới vẫn phức tạp, bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho rằng, khách du lịch nội địa đã dần có nhu cầu đi du lịch trở lại ở các điểm gần. Do đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố sẽ triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm quảng bá, kích cầu du lịch nội địa.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, trong điều kiện thực tế các địa phương đều nhắm đến thị trường nội địa, Đà Nẵng cần phải tạo ra sự khác biệt. Theo đó, ông đề nghị các doanh nghiệp du lịch dù chưa có khách vẫn phải xúc tiến các chương trình kích cầu mùa hè, sau đó là kích cầu cuối năm; các khách sạn riêng lẻ cần tự giảm giá sốc, miễn phí visa cho tất cả thị trường, miễn phí tham quan... cũng như làm mới các sản phẩm.

Hiện nay các doanh nghiệp đã sẵn sàng hoạt động trở lại, nhiều chương trình ưu đãi cũng được đưa ra nhằm quảng bá và tiếp cận thị trường, tuy nhiên vẫn còn một vài trở ngại ở vấn đề nguồn khách, ông Cao Trí Dũng cho biết thêm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng, ưu tiên lớn nhất lúc này là thúc đẩy thị trường khách nội địa, chú trọng nguồn khách từ các thị trường có điểm đến gần, thuận tiện di chuyển, sử dụng sản phẩm du lịch ngắn ngày, giá cả phù hợp đại chúng.

Đồng thời, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các công ty du lịch lữ hành, hãng hàng không triển khai các chính sách, ưu đãi đối với các nguồn khách từ các địa phương có đường bay đến Đà Nẵng, đặc biệt là gia tăng nguồn khách nội địa từ các thị trường trọng điểm Hà Nội và TP.HCM.

Về vấn đề truyền thông kích cầu du lịch quốc tế, ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó chủ tịch thường trực Hội khách sạn Đà Nẵng cho rằng, "nếu không nhanh chóng tạo ra hình ảnh mới cho điểm đến Đà Nẵng thì những thị trường nhạy cảm như Hàn Quốc họ sẽ thay đổi điểm đến".

Trong khi đó, hiện một số khách sạn chưa thể tham gia nhiều vào gói kích cầu, bởi nhiều khách sạn chưa thể mở cửa hoạt động trở lại vì sẽ phải gánh chi phí khoảng 3-4 tỷ/tháng cho chi phí hoạt động, trong khi công suất phòng mỗi ngày chỉ chiếm khoảng 5-10%.

Kết luận buổi làm việc, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực khôi phục và phát triển song song với thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đồng thời giữ gìn hình ảnh điểm đến Đà Nẵng an toàn, mến khách và hấp dẫn.

Theo bà Hạnh, cùng với xúc tiến các đề án phát triển du lịch cộng đồng, việc cơ cấu lại ngành du lịch thành phố đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi, tạo ra sự khác biệt cho du lịch Đà Nẵng.

Bà Hạnh cũng cho biết, trong định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Du lịch đã xác định không gian phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái theo định hướng tựa núi, hướng biển; lấy Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân và Ngũ Hành Sơn làm trung tâm tạo vùng, với các nhóm sản phẩm du lịch được ưu tiên là du lịch biển nghỉ dưỡng; du lịch mua sắm, vui chơi, giải trí, du lịch văn hóa, sinh thái...

Theo Hoàng Hà (BizLive)

Tin khác