* Thưa ngài, quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác giữa Ý và Việt Nam đang phát triển tốt đẹp. Ngài đánh giá như thế nào về thành tựu nổi bật trong mối hợp tác song phương này?
- Ngài Dante Brandi: Chính phủ hai nước đã thiết lập quan hệ từ năm 1973 và đã phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013. Năm ngoái, chúng ta đã kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao với nhiều sự kiện nổi bật. Việt Nam ở Ý rất được biết đến, điều này thể hiện ở lượng du khách Ý đến Việt Nam đã đạt hơn 65 nghìn lượt khách trong năm 2018. Quan hệ của chúng ta cũng rất chặt chẽ trong hợp tác kinh tế, với khoảng 100 doanh nghiệp của Ý đang hoạt động tại Việt Nam và kim ngạch thương mại đạt khoảng 5 tỉ đô la Mỹ. Các con số này sẽ tiếp tục tăng lên khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực. Hợp tác văn hóa, giáo dục và khoa học cũng tăng lên theo đà phát triển của các mối quan hệ của chúng ta.
* Rất tích cực thúc đẩy hợp tác để phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh ngay từ khi nhậm chức, cho đến nay Ngài đã và đang tiếp tục mục tiêu này như thế nào?
- Như đã trao đổi với các lãnh đạo và các đơn vị chức năng của TP.HCM, chúng tôi có rất nhiều dự án cụ thể với các sáng kiến đặc biệt về lĩnh vực du lịch thông minh. Ý là một điểm đến du lịch toàn cầu và kinh nghiệm của chúng tôi sẽ giúp Việt Nam phát triển chiến lược của mình nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách. Chúng tôi phát triển một chiến lược xây dựng bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam để du khách có thể sống trải nghiệm khi tham quan hay với mục đích khác như làm kinh doanh. Đề án từ cơ quan viện trợ hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển khu vực du lịch thông minh có di sản được bảo tồn tại TP.HCM đang trong giai đoạn trình ý kiến của lãnh đạo thành phố. Chúng tôi luôn sẵn sàng cho dự án hợp tác này ngay khi chính quyền địa phương có ý kiến phản hồi.
* Theo Ngài, Việt Nam và Ý có mối quan hệ hay sự tương đồng nào trong văn hóa, ẩm thực và du lịch để có nhiều hoạt động xúc tiến và giao lưu sâu hơn? Điều gì sẽ là ưu thế lớn của du lịch Việt Nam khi thu hút du khách Ý?
- Giữa hai nước chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng. Việt Nam và Ý giống nhau ở đam mê đối với ăn uống, tiệc tùng, bóng đá, cách sống, tình yêu gia đình và tinh thần kinh doanh. Ẩm thực và du lịch, những thành phần quan trọng trong tổng quan lối sống - đã đưa các mối quan hệ đến gần nhau hơn. Ẩm thực của Việt Nam cũng như vẻ đẹp tự nhiên của nó và sự hiếu khách của người Việt đều để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách Ý. Tất nhiên, để thu hút nhiều người Ý hơn nữa, không những hạ tầng cơ sở và ngành logistic sẽ cần được chú trọng, mà như tôi đã đề cập, còn là khả năng làm cho du khách Ý sống với những trải nghiệm đáng nhớ trong khi vẫn tận hưởng vẻ đẹp của phong cảnh và những di sản văn hóa của đất nước tráng lệ này.
* Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ý nhằm tăng cường trao đổi khách du lịch giữa hai nước. Theo Ngài, chúng ta cần phải có những giải pháp gì để sớm thông quan đường hàng không?
- Các chuyến bay thẳng tất nhiên sẽ là bước đột phá quan trọng trong việc tăng lưu lượng du khách cả hai chiều và làm sâu sắc thêm tổng thể các mối quan hệ. Chủ đề này cũng đã được đề cập ở góc độ chính trị nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tưởng Ý Giuseppe Conte tháng 6 vừa qua. Cả hai Chính phủ đều sẵn sàng hỗ trợ các khung pháp lý để điều này có thể thực hiện được. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn là quyết định thương mại của các hãng hàng không. Tôi hi vọng vào sự tăng cường tiềm năng của các dòng chảy thương mại đến từ Hiệp định EUVFTA, bởi nó sẽ mang đến nhiều khách thương mại hơn và cùng với đó là kết quả tốt đẹp của việc mở ra các tuyến đường thẳng và khả thi về mặt thương mại giữa hai quốc gia.
* Rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đã được triển khai đơn cử là Tuần lễ ẩm thực Ý lần thứ 4, Ngài đánh giá như thế nào về những dấu ấn đạt được trong sự kiện vừa qua?
- Phải nói rằng, thị trường Việt Nam và xã hội Việt Nam phản hồi rất tích cực đối với sáng kiến nhằm mục đích mang tới đất nước này văn hóa ẩm thực của Ý. Cách tiếp cận của chúng tôi rất tôn trọng truyền thống ăn uống và ẩm thực của người Việt, tôn trọng khoảng cách địa lý và lịch sử giữa hai nền văn hóa ẩm thực. Nhưng chúng tôi thực sự tin rằng người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, rất muốn trải nghiệm và tiếp cận ẩm thực nổi tiếng thế giới của Ý, song song với ẩm thực quốc tế khác thậm chí có thể quen thuộc hơn như ẩm thực Nhật Bản hay ẩm thực Thái. Ngoài ra, việc mang đồ ăn, thực phẩm và văn hóa ẩm thực của Ý đến Việt Nam cũng giúp nâng cao tiêu chuẩn cho ngành công nghệ hiếu khách của Việt Nam: yếu tố quan trọng trong chiến lược tổng thể nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là mục tiêu chính cho sự kiện dạy nấu ăn (masterclass) và nếm trải ẩm thực và thức uống của Ý vừa qua tổ chức ở Nha Trang. Ví dụ khác như, Ý là đất nước sản xuất rượu vang, nên kết quả là việc xuất khẩu rượu vang vào thị trường Việt Nam đang tăng lên, và các sản phẩm khác cũng theo xu hướng tương tự.
* Tết cổ truyền đặc biệt có ý nghĩa với người Việt và những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Trong dịp đặc biệt này, Ngài và gia đình có kế hoạch gì để hòa mình cùng bản sắc văn hóa Việt?
- Rất tiếc, hiện tôi chưa lên chương trình cho kỳ nghỉ Tết vì chúng tôi chưa có lịch chính thức của năm 2020. Năm ngoái, tôi đã trải nghiệm Tết cổ truyền của Việt Nam trong không khí thiêng liêng và ấm cúng, khi mọi người trao cho nhau lời chúc tốt đẹp nhất của một năm mới sắp tới. Tôi nghĩ đây là sự kiện rất thú vị và qua dịp này, tôi hiểu thêm về văn hóa xã hội Việt Nam. Người thân đoàn tụ từ khắp mọi miền đất nước, thế hệ người lớn tuổi động viên thế hệ trẻ, sợi dây tình cảm gia đình được siết chặt hơn. Tất cả nói lên rất nhiều điều về xã hội Việt Nam và ý nghĩa của sự tương thân. Năm 2020 cũng là năm Con Chuột, năm tuổi của vợ tôi và chúng tôi lại có thêm lý do để tổ chức ăn mừng.
* Xin chân thành cảm ơn Ngài và chúc Ngài cùng gia đình một năm mới vạn sự như ý!