Chủ tịch ICHAM: Kỳ vọng xúc tiến hợp tác thương mại trên nhiều lĩnh vực

Thứ Hai, 20/01/2020 08:30
Với rất nhiều tiềm năng và dư địa còn có thể mở rộng, ông Michele D'Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italy tại Việt Nam (ICHAM) khẳng định kỳ vọng gia tăng hiệu quả hơn nữa trong xúc tiến hợp tác thương mại giữa Italy và Việt Nam qua buổi chia sẻ với phóng viên của VietnamTraveller.com.vn.

* Thưa ông, là đơn vị trực tiếp xúc tiến các hoạt động giao thương cho đến nay ICHAM đã ghi nhận những kết quả khả quan nào giữa Italy và Việt Nam?

- Ông Michele D'Ercole: Hiện diện và đồng hành cùng nhiều hoạt động tại Việt Nam trong khoảng 11 năm qua, ICHAM đã hỗ trợ xúc tiến nhiều hoạt động thương mại song phương giữa 2 nước, đặc biệt là chương trình B2B kết nối trực tiếp doanh nghiệp. Mang đặc trưng xúc tiến thương mại nhưng trong các sự kiện của ICHAM luôn có sự liên quan mật thiết đến du lịch và quảng bá văn hóa. Tất cả các đoàn doanh nghiệp Italy đến Việt Nam hay ngược lại, đoàn Việt Nam sang Italy ngoài tham gia các hội thảo, tọa đàm, triển lãm chuyên ngành thì việc tham quan tìm hiểu văn hóa luôn được chú trọng thêm vào lịch trình. Điển hình ngoài hoạt động B2B, ICHAM còn tích cực tham gia xúc tiến thương mại, dịch vụ và du lịch tại “Tuần lễ ẩm thực Italy 2019” diễn ra tại 30 nước trên thế giới trong đó có cả sự kiện nổi bật tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Sự gắn kết thương mại và văn hóa ấy đã đem lại kết quả rất đáng tự hào.

* Dưới góc nhìn chuyên nghiệp của ông thì những ngành nào sẽ có tiềm năng để mở rộng phạm vi hợp tác hơn trong tương lai?

Việt Nam có mức tăng trưởng GDP năm 2018 vào khoảng 7% với nhiều tiềm năng tăng trưởng còn chưa khai thác hết. Như đầu tiên là lĩnh vực sức khỏe, xu hướng người dân ngày càng quan tâm đến chất lượng sức khỏe, công nghệ và máy móc ứng dụng y học hiện đại. Thứ hai là nông nghiệp, ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam nhưng vẫn còn phải tăng cường nhiều hơn việc ứng dụng công nghệ, trang thiết bị tiên tiến để cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Italy tự hào có nền nông nghiệp công nghệ cao với tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hướng tới xuất khẩu và cả phục vụ cho du khách quốc tế vốn rất quan tâm đến đặc sản địa phương. Với kinh nghiệm của các doanh nghiệp hàng đầu về nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm hữu cơ, xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường…, Italy hoàn toàn có thể hỗ trợ để phát triển nền “kinh tế xanh” và bảo vệ môi trường, vốn là những điều Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên hướng tới. Và tất nhiên còn có cả ẩm thực, thời trang, trang thiết bị nội thất… cũng đều là những ngành nghề còn rất nhiều tiềm năng để hợp tác xa hơn.

* Vậy ông có gợi ý giải pháp nào để doanh nghiệp hai nước thực sự tận dụng được những cơ hội và hội nhập kinh tế lẫn văn hóa thành công?

Trước tiên tôi phải khẳng định rằng sự chuyên nghiệp trong bất cứ vấn đề gì đều xuất phát từ sự tôn trọng văn hóa lẫn nhau để thấu hiểu nhau hơn, yêu mến nhau hơn. Việt Nam - Italy tương đồng khi quý trọng những giá trị gia đình nhưng sự xa cách về địa lý hay khác biệt tập tính tâm lý nếu không có sự tôn trọng sẽ rất khó để tin tưởng hay kết nối trong công việc, lớn hơn là hội nhập thành công. Cùng chung tay với Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Italy, chúng tôi đã tham gia vào rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa lẫn kinh tế và sẽ tiếp tục những sứ mệnh của mình.

Năm 2020, chúng tôi đặt nhiều mục tiêu nhiều hơn vào du lịch và kết hợp du lịch trong hoạt động thương mại ICHAM chủ trì. Bên cạnh đó, chúng tôi rất kỳ vọng nâng kim ngạch thương mại năm 2020 vào khoảng 6 tỉ USD, khẳng định vị trí Italy là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam.

* Xin cám ơn ông!

Phạm Tuấn

Tin khác