Xúc tiến du lịch Nepal tại Hà Nội

Thứ Tư, 12/06/2019 10:29
Với mục tiêu thúc đẩy giao lưu du lịch - văn hóa giữa Nepal và Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Nepal phối hợp với Câu lạc bộ Du lịch Thủ đô (Captour Club) trực thuộc Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch Nepal tại Hà Nội vào ngày 10/6/2019 tại khách sạn Sunway Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Nepal giới thiệu du lịch tới doanh nghiệp và du khách Thủ đô.
Doanh nghiệp hai bên chụp ảnh lưu niệm
Doanh nghiệp hai bên chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu tại hội nghị, ông Ghanshyam Upadhyaya - đại diện Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng không Nepal khẳng định, trong những năm gần đây Việt Nam là một trong những thị trường ưu tiên đối với Nepal, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Nhắc tới chuyến thăm của Thủ tướng Nepal Khadga Prasad Sharma Oli đến Việt Nam vào tháng 5/2019, ông Ghanshyam nhấn mạnh việc Việt Nam và Nepal là đối tác ngoại giao, có điểm chung tương đồng về mặt kinh tế, công nghiệp hóa, dân số hóa... và cũng không xa về khoảng cách địa lý. Ông Ghanshyam bày tỏ mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp du lịch của hai nước nhằm thúc đẩy phát triển du lịch giữa Nepal và Việt Nam.

Giới thiệu về du lịch Nepal, ông Ghanshyam cho biết: Nepal là điểm đến được nhiều du khách trên khắp thế giới biết đến, không chỉ bởi dãy núi Himalaya hùng vĩ với đỉnh Everest cao nhất thế giới, Lumbini - nơi sinh của Đức Phật, mà còn có rất nhiều điểm đến đa dạng dọc theo chiều dài đất nước. Kathmandu - thủ đô của Nepal được ví như “bảo tàng sống”, với 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận… “Chúng tôi sẵn sàng chào đón các bạn Việt Nam đến với đất nước Nepal xinh đẹp, nơi sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và là nơi xuất phát của đạo Phật” - ông Ghanshyam bày tỏ.

Nhận định về điểm đến Nepal, ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng: Là miền đất nơi sinh ra Đức Phật cùng với phong cảnh hùng vĩ của dãy núi mệnh danh “nóc nhà của thế giới” và khoảng cách địa lý thuận lợi, Nepal sẽ là điểm đến cuốn hút đối với du khách Việt Nam. Hiện nay, mặc dù khoảng cách địa lý không quá xa, nhưng du khách Việt Nam muốn tới Nepal phải nối chuyến qua một nước thứ ba, nên vấn đề đặt ra là cần thúc đẩy trao đổi khách giữa hai nước để các hãng hàng không có đủ lượng khách mở chuyến bay thẳng Việt Nam - Nepal.

Để thúc đẩy trao đổi khách giữa hai bên, ông Phùng Quang Thắng đề xuất: cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch của hai nước lẫn nhau; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin cụ thể và chi tiết giữa doanh nghiệp hai nước về điểm đến, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, mua sắm đặc sản…; tạo thêm nhiều cơ hội để du khách Việt Nam biết đến Nepal cũng như mong muốn của khách Việt Nam đi du lịch Nepal nhiều hơn. Ông Phùng Quang Thắng gợi ý, hàng năm Việt Nam có hai hội chợ du lịch quốc tế lớn ở miền Bắc và miền Nam, đây là cơ hội mà các doanh nghiệp du lịch Nepal có thể tham gia quảng bá du lịch Nepal tới đông đảo du khách và doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

Các doanh nghiệp trao đổi thông tin về du lịch giữa hai nước
Các doanh nghiệp trao đổi thông tin về du lịch giữa hai nước

“Hiện nay chúng tôi đang thực hiện Chiến dịch xúc tiến du lịch Nepal, hướng tới Nepal là điểm đến phổ biến đối với du khách, mang lại nhiều trải nghiệm hơn cho du khách khi đến với Nepal” - ông Madhu Sudan Upadhyay, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nepal (Sotto-Nepal) cho biết.

Tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch Nepal cũng đã giới thiệu những hình ảnh, video về du lịch Nepal với những điểm đến ấn tượng cùng nhiều sản phẩm trải nghiệm đa dạng như: leo núi, trekking, chèo xuồng vượt thác, dù lượn, du hành xuyên rừng, du lịch hành hương… Nhân dịp này, các doanh nghiệp hai bên cũng đã có dịp gặp gỡ, kết nối B2B...

Nepal là một trong những quốc gia giàu có nhất trên thế giới về sự đa dạng sinh học, thừa hưởng từ vị trí địa lý độc đáo và sự biến thiên theo vĩ độ. Độ cao so với mực nước biển dao động từ 60m cho đến điểm cao nhất trên trái đất, đỉnh núi Everest ở độ cao 8,848m, tất cả chỉ trong khoảng cách 150km mang tới khí hậu từ nhiệt đới cho đến Bắc Cực.

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau