Về Khu Di tích K9, Đá Chông, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của Bác Hồ

Chủ Nhật, 05/06/2022 15:13
K9, Đá Chông huyện Ba Vì, Hà Nội là nơi gìn giữ thi hài của Bác từ năm 1969 đến năm 1975

Ngày 5-6, Đoàn công nhân lao động, cán bộ Công đoàn tiêu biểu TP HCM đã về Khu Di tích K9, Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây là một trong những địa danh lịch sử, văn hóa - di tích đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người còn sống đến khi qua đời.

Địa điểm này vào năm 1957 trong một lần tham sư đoàn 316 diễn tập bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ăn trưa trên đỉnh đồi, ngay dưới chân ba tảng đá chông hùng vĩ. Thấy khí hậu nơi đây mát mẻ, địa hình hiểm trở, phong cảnh đẹp, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc. Năm 1960, Cục Doanh trại thuộc tổng cục Hậu cần xây dựng một ngôi nhà sàn làm vị trí hội họp nghỉ ngơi của Bác Hồ và Bộ chính trị TW Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ chính trị đã lên làm việc và nghỉ ngơi tại đây.

Về Khu Di tích K9, Đá Chông, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của Bác Hồ - Ảnh 1.

Đoàn công nhân lao động, cán bộ Công đoàn tiêu biểu TP HCM nghe thuyết minh tại Di tích K9, Đá Chông

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa. Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Từ năm 1969-1975, thi hài Bác được giữ gìn ở đồi Đá Chông. Đến ngày 18-7-1975 đoàn xe đưa thi hài của Bácvề đến quảng trường Ba Đình. Hiện nay, K9 đã trở thành nơi một thời giữ yên giấc ngủ của Bác, Bộ Tư lệnh Lăng bố trí bộ phận tiếp đón các đoàn cán bộ và nhân dân toàn quốc về thăm K9.

Về Khu Di tích K9, Đá Chông, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của Bác Hồ - Ảnh 2.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu Di tích Đền Hùng, Phú Thọ

Trước đó, chiều 4-6, trong chuyến hành trình về nguồn, Đoàn công nhân lao động, cán bộ Công đoàn tiêu biểu TP HCM cũng đã đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước - Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo H.Đào (Người Lao Động)

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau