Quảng Ninh: Kỳ vọng vào các sản phẩm du lịch mới

Thứ Hai, 17/04/2023 03:03
Với việc dự kiến đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác, hoạt động trong năm 2023, ngành du lịch Quảng Ninh kỳ vọng sẽ tạo ra sự phong phú, đa dạng sản phẩm, hấp dẫn du khách.

Dòng sản phẩm mới

Được thiên nhiên vô cùng ưu đãi, Quảng Ninh sở hữu nhiều tài nguyên có giá trị trong đó tiềm năng du lịch được xem là nổi bật hơn cả.

Địa phương này cũng phát triển không gian du lịch mới ở các địa bàn tiềm năng như Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu... từ đó từng bước khai thác được thế mạnh, giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, phát triển du lịch, dịch vụ nhanh, bền vững.

Du khách đi xe điện thăm đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô (Ảnh: L.T)

Theo ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, trong quá trình thực hiện giải pháp mở rộng không gian du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã có, phát triển một số sản phẩm du lịch mới, phù hợp với từng thị trường khách, cũng như gắn các yếu tố văn hóa, giá trị tài nguyên du lịch vào sản phẩm; chú trọng đến các sản phẩm du lịch văn hóa, mua sắm, cảnh quan...

Mới đây, trong danh mục định hướng các sản phẩm du lịch mới dự kiến đưa vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023, địa phương này dự kiến đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác, hoạt động.

Du thuyền trên vịnh Hạ Long

Theo đó, tại TP Hạ Long sẽ phát triển tuyến phố đêm, phố đi bộ; hồ Hải Thịnh; phố đêm du thuyền với dịch vụ ăn uống trên tàu du lịch tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm trên vịnh; nghe nhạc trên vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó xây dựng khu trưng bày giới thiệu giá trị địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học tại hang Đầu Gỗ; điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua, bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo; điểm check-in vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng di sản tại cầu vọng cảnh hang Đầu Gỗ. Đặc biệt, mới đây, địa phương này cũng quyết định mở cửa trở lại núi Bài Thơ nhằm cung cấp cho du khách trải nghiệm leo núi, khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử, đồng thời check-in ngắm vẻ đẹp đặc sắc của vịnh Hạ Long và TP Hạ Long từ trên cao.

Tại TP Móng Cái, phát triển sản phẩm du lịch Ẩm thực Việt - Trung; sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm tại nông trại Nhật Vượng và Thung lũng tình yêu; phiên chợ vùng cao Pò Hèn… Không chỉ tập trung ở các phường trung tâm, các sản phẩm mới sẽ mở rộng không gian ra vùng ven, vùng cao của thành phố ở các xã Hải Xuân, Bắc Sơn, Quảng Đức và Bình Ngọc.

Ngoài ra, tại các địa phương khác như Cô Tô, Vân Đồn, Tiên Yên, Quảng Yên, Hải Hà… các sản phẩm du lịch khám phá, lặn biển, thể thao giải trí và cắm trại và nghỉ dưỡng được đặc biệt chú trọng… Một số sản phẩm mới lạ phải kể đến như: lặn biển tại Thanh Lân, cắm trại trên bãi Ba Châu, trên đảo Thanh Lân và tham quan các đảo gần bờ tại Cô Tô; trải nghiệm tại tuyến đường đi bộ thuộc 2 xã Quan Lạn và Minh Châu, tham quan hệ sinh thái rừng, chèo thuyền kayak, thuyền nan, lặn biển, thám hiểm hang động và ngủ đêm trên tàu tại huyện Vân Đồn; trải nghiệm rừng ngập mặn, bắt ốc và du lịch văn hóa giới thiệu các giá trị văn hoá đặc sắc của người Tày tại không gian làng văn hoá dân tộc Tày huyện Tiên Yên; du lịch giải trí và nghỉ dưỡng tại đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đảo Đá Dựng, huyện Đầm Hà…

Theo ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, trong tháng 4/2023, huyện Vân Đồn sẽ tổ chức thí điểm tuyến đường đi bộ tại 2 xã Quan Lạn, Minh Châu gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao và ẩm thực. Đồng thời, địa phương cũng phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, các đơn vị lữ hành để quảng bá, xúc tiến du lịch dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tạo "sức bật" cho ngành du lịch

Thực tế, Quảng Ninh có rất nhiều cảnh quan nổi tiếng thu hút khách du lịch như: vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; nhiều bãi biển đẹp: Trà Cổ, Cô Tô, bãi Dài (huyện Vân Đồn); đảo Tuần Châu; núi Bài Thơ ... cùng các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo.

Du khách lặn biển khám phá trên đảo Cô Tô (Ảnh: L.T)

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, việc đưa các sản phẩm du lịch mới vào hoạt động là một trong những giải pháp lâu dài không chỉ thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh mà còn khuyến khích du khách chi tiêu và quay trở lại nhiều hơn. Vì vậy,  các sở, ngành, địa phương, cơ sở kinh doanh du lịch cũng cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tốt nhất về môi trường kinh doanh du lịch, sản phẩm, chất lượng dịch vụ đón khách trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng nâng chất các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đa dạng, phong phú, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm,… nhằm mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho du khách.

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, quý I/2023, Quảng Ninh đón 4,85 triệu lượt khách, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Ngành du lịch, dịch vụ tiếp tục phục hồi, là động lực tăng trưởng chính, chiếm tỷ trọng trên 30% trong GRDP của tỉnh Quảng Ninh.

Tiếp đà tăng trưởng này, Quảng Ninh đặt mục tiêu quý II/2023 phấn đấu đón 3,65 triệu lượt khách, doanh thu gần 8.000 tỷ đồng. Theo đó, các địa phương đồng loạt tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến, chuẩn bị đón đầu mùa du lịch. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động khai thác mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh.

Theo ông Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về du lịch đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn toàn huyện; trung chỉ đạo đảm bảo công tác an ninh trật tự, bảo vệ môi trường và an toàn cho khách du lịch tại các điểm du lịch. Đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá lực lượng lao động, phối hợp tổ chức đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng lao động du lịch, bổ sung lực lượng còn thiếu hụt để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch. Đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.

Cũng theo ông Ký, từ nay đến năm 2030, địa phương sẽ tập trung củng cố vị thế là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế, thu hút du khách quanh năm, từ khắp năm châu, trở thành một điểm đến “không thể bỏ lỡ” khi đến Việt Nam…

Theo Hải Ngân (Diễn đàn doanh nghiệp)

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau