Đưa Nha Trang trở thành thủ phủ vùng

Thứ Năm, 31/03/2022 09:33
TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cần hội tụ mọi nguồn lực để tạo thành đô thị hạt nhân và lan tỏa động lực cho cả vùng Nam Trung Bộ

Kỷ niệm 45 năm ngày thị xã Nha Trang được nâng cấp lên thành phố (30.3.1977-30.3.2022), UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội thảo phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam đã hiến kế, đóng góp giải pháp nhằm xây dựng Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh Khánh Hòa và cả khu vực Nam Trung Bộ.

Thế mạnh phát triển kinh tế biển

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) - cho rằng Nha Trang là thành phố với nhiều lợi thế vượt trội trong nước, được thế giới công nhận như: Vịnh đẹp thế giới năm 2003, khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam năm 2001, xứ sở của yến sào; là trung tâm khoa học với các viện: Hải dương học, Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, Pasteur, Vắc-xin…

Đưa Nha Trang trở thành thủ phủ vùng - Ảnh 1.

TP Nha Trang phấn đấu đến năm 2030 đạt tỉ lệ đô thị hóa 95%, trở thành đô thị hạt nhân của cả vùng

Vùng biển Nha Trang còn là đỉnh phụ của một "tam giác san hô" mở rộng nằm trong "tam giác san hô quốc tế" có trung tâm là vùng biển quần đảo Trường Sa. Các lợi thế này cung cấp tiền đề và nền tảng cho TP Nha Trang phát triển khá toàn diện về kinh tế biển và du lịch trở thành ngành kinh tế then chốt. Hàng loạt thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế đã có mặt ở Nha Trang…

Theo PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, dù có nhiều lợi thế vượt trội nhưng môi trường đầu tư ở Nha Trang chưa thông thoáng nên chưa huy động được nguồn lực đầu tư cho kinh tế biển, nghiên cứu khoa học và điều tra cơ bản, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển. Bên cạnh đó, chất lượng môi trường vịnh Nha Trang đang xấu đi đáng kể, hệ sinh thái san hô suy giảm… "Để bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ các giá trị di sản trong vịnh Nha Trang, cần dựa vào các ngành kinh tế thân thiện với môi trường - thuận thiên. Đó là du lịch biển đảo bền vững, nghề cá giải trí như lặn ngắm san hô, câu cá, nuôi trồng thủy sản, cải thiện sinh kế cộng đồng cư dân" - PGS-TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất.

PGS-TS Nguyễn Tác An - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, cũng nhấn mạnh tài nguyên di sản biển, đảo là giá đỡ cho Nha Trang hưng thịnh, do đó phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo tồn biển. Quy hoạch phát triển đô thị biển cần có những nghiên cứu toàn diện về các giá trị đặc thù của tài nguyên biển, đảo; cần kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải đổ vào vịnh Nha Trang. Đặc biệt, phải giám sát hiệu quả mức độ tuân thủ của các nhà đầu tư phát triển trong quá trình triển khai các dự án, hướng tới đô thị thông minh, sinh thái, an ninh, an toàn và an sinh cho cộng đồng.

Ba yếu tố then chốt

Hiến kế về việc phát triển Nha Trang trong tương lai, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để Nha Trang phát triển bền vững, cần 3 yếu tố. Thứ nhất, phải giữ cho được tài nguyên thiên nhiên, vẻ đẹp vốn có của Nha Trang, nét đẹp văn hóa - lịch sử - con người vùng đất xứ trầm. Thứ hai, Nha Trang phải kiên trì, triệt để con đường đổi mới, mở cửa thị trường, phát triển kinh tế hội nhập với thế giới thì mới biến lợi thế về so sánh thành lợi thế về cạnh tranh trên khu vực. Thứ ba, Nha Trang cần mời gọi các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư. Đây là lực lượng thay đổi bộ mặt, chân dung cho đô thị. "Nha Trang cần những bước nhảy vọt để nâng tầm vị thế. Tôi mạnh dạn đề nghị cần có sự khác biệt, không thể để các đô thị dàn hàng ngang mà phải biến Nha Trang trở thành nơi hội tụ sức mạnh để từ đó lan tỏa sức mạnh cho cả vùng. Nha Trang phải là thủ phủ của tiểu vùng, ít nhất từ Phú Yên đến Bình Thuận. Cái này không phải Nha Trang tự hãnh diện, tự cho mình thành tượng đài mà đây là trách nhiệm nặng nề Nha Trang phải tự ý thức. Có chỗ nào xứng đáng hơn Nha Trang?" - PGS-TS. Trần Đình Thiên đặt vấn đề.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, thời gian gần đây, khoảng cách phát triển của TP Nha Trang so với các nơi trong khu vực đang gần lại khi TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) tăng tốc, Khu Kinh tế Vân Phong đang thu hút các tập đoàn lớn, huyện Cam Lâm đang bứt phá. Những vùng này đang được các tập đoàn lớn đầu tư, được sự ủng hộ mạnh mẽ từ trung ương. Đây là một thách thức phát triển với Nha Trang. "Lãnh đạo TP Nha Trang cần có tầm nhìn rõ hơn, tư duy sắc bén hơn, tụ hội được nhiều con người tài năng để giải quyết các vấn đề phát triển trong tương lai" - PGS-TS Trần Đình Thiên nói thêm.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà khoa học còn hiến kế về các giải pháp hạn chế tình trạng ngập úng phía Tây TP Nha Trang; các giải pháp hướng đến xây dựng thành phố thông minh và bền vững; phát triển du lịch bền vững TP Nha Trang… 

Đầu tư 50.000 tỉ đồng cho Nha Trang

Ông Nguyễn Sỹ Khánh - Chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho biết Nha Trang hiện có 108 dự án nhà ở, KĐT mới và việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư đang góp phần làm thay đổi diện mạo phố biển. UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Chương trình phát triển đô thị TP Nha Trang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với tổng mức đầu tư khoảng 50.000 tỉ đồng. Trước mắt, thành phố sẽ quan tâm đẩy mạnh thực hiện các dự án phát triển không gian công cộng, tăng cường cây xanh công viên dọc bờ biển Trần Phú, Phạm Văn Đồng, công viên cây xanh dọc hai bên bờ sông Cái...

Theo Kỳ Nam (Người lao động)

Tag: Nha Trang

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau