Du lịch Cà Mau đang khởi sắc

Thứ Bảy, 24/10/2020 10:16
Cà Mau là địa phương có đặc điểm văn hóa đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch… được quan tâm đầu tư, phát triển. 5 năm qua, du lịch Cà Mau có bước phát triển khá, từng bước khẳng định vị thế là ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Du lịch Cà Mau ước 5 năm thu hút hơn 7,3 triệu lượt khách, tăng 58% lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt hơn 9 ngàn tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với nhiệm kỳ trước.

Trong những năm qua, tận dụng lợi thế vị trí địa lý, tiềm năng sẵn có ở 2 vùng sinh thái mặn, ngọt, với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, khai thác nhiều tour, tuyến thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều điểm du lịch được chú trọng đầu tư, nâng cấp như: Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; Khu du lịch Hòn Đá Bạc, Khu du lịch Lý Thanh Long, Khu du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt, Vườn chim cò Tư Sự; Khu đa dạng sinh học Lâm ngư trường Sông Trẹm… tạo nhiều điểm nhấn, làm nên sự đa dạng phong phú cho du lịch Cà Mau.

Tại Công viên Văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau thuộc Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) ngoài những biểu tượng đặc trưng của vùng Đất Mũi như: Cột Mốc tọa độ GPS 0001, cột mốc điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh, nơi đây còn có thêm nhiều công trình ý nghĩa được xây dựng mới như: Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ, Cột Cờ Hà Nội, biểu tượng con cua… Các hạng mục như: cầu, đường ven biển cảnh quan môi trường được tôn tạo, chỉnh trang sạch đẹp, hệ thống xe điện được đầu tư mới giúp du khách tham quan thuận tiện, dễ dàng.

Thời gian qua, các tuyến du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được đưa vào khai thác giúp du khách có những trải nghiệm thú vị khi khám phá vùng lõi, tham quan điểm du lịch hàu lồng; ra bãi bồi ngắm hoàng hôn và bình minh trên biển. Đơn vị khai thác du lịch đã xây dựng các điểm dừng chân để du khách có thể thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương và tham gia trải nghiệm khám phá du lịch cộng đồng cùng người dân bản địa như: câu cua, bắt ba khía, câu cá thòi lòi… Ông Nguyễn Văn Nhuần, chủ hộ làm du lịch cộng đồng ở ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Làm du lịch cộng đồng tôi luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, tổ chức nhiều hoạt động để du khách trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên. Đặc biệt, gia đình tôi luôn tạo sự gần gũi, thân thiện để du khách xem đây như chính ngôi nhà của mình”.

Cà Mau trở thành điểm đến ấn tượng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Chị Vũ Thị Hạnh, du khách đến từ Hà Nội nhận xét: “Mình rất thích và ấn tượng khi du lịch đến Mũi Cà Mau. Được ngồi ca nô lướt sóng đi len vào vùng lõi, ngắm những cánh rừng đước bạt ngàn khiến tâm trạng mình cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu. Nơi đây khí hậu trong lành, thiên nhiên vẫn giữ được nét hoang sơ với nhiều hệ động thực vật đa dạng, món ăn chế biến rất ngon như: cua, hàu, cá thòi lòi… người dân ở đây rất nhiệt tình và mến khách. Nếu có dịp mình sẽ cùng gia đình trở lại đây một ngày không xa, để cùng nhau trải nghiệm cảm giác tuyệt vời này”.

Năm 2020, nghề gác kèo ong và nghề muối ba khía được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là yếu tố quan trọng để Cà Mau gắn kết phát triển nghề truyền thống với du lịch nhằm quảng bá thương hiệu và tạo sinh kế bền vững cho người dân. Hiện tại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức kết nối giữa Điểm dừng chân Tư Tỵ (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) với làng nghề truyền thống ba khía Rạch Gốc. Theo đó, đến đây du khách có thể thưởng thức các món đặc sản, ngắm rừng đước và đi tham quan tìm hiểu về làng nghề làm ba khía nổi tiếng ở Cà Mau. Nếu có dịp đến tham quan tại Khu du lịch sinh thái Mười Ngọt (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như: giăng lưới, câu cá, đặt lọp, đặt trúm bắt lươn và tham quan nghề gác kèo ong, thưởng thức mật ong tại chỗ.

Các hộ dân làm du lịch cộng đồng tại Đất Mũi không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự thân thiện gần gũi khi du khách đến tham quan trải nghiệm.

Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm mời gọi, hỗ trợ nhà đầu tư, đặc biệt đối với các dự án du lịch có quy mô lớn về vốn đầu tư; tăng cường tham gia các hoạt động kết nối, hợp tác với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương nước ngoài. Tỉnh đã xây dựng được chuỗi cửa hàng bán các sản phẩm đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại các nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân thu hút quảng bá những sản phẩm của Cà Mau đến đông đảo du khách trong qua ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh do nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn hạn chế. Các sản phẩm du lịch chủ yếu khai thác những cái sẵn có, chưa có nhiều đổi mới sáng tạo. Mặt khác, từ đầu năm đến nay du lịch Cà Mau chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng, cho biết: “Du lịch Cà Mau ước 5 năm (2015 – 2020) thu hút hơn 7,3 triệu lượt khách (trong đó có 135 ngàn lượt khách quốc tế), tăng 58% lượt khách; doanh thu du lịch ước đạt hơn 9 ngàn tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với nhiệm kỳ trước. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tỉnh chú trọng triển khai các gói sản phẩm du lịch, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và phương châm phòng chống dịch. Thời gian tới, để đảm bảo sự phát triển bền vững, thu hút lượng khách đến với Cà Mau, tỉnh quan tâm tập trung chỉ đạo, đặc biệt đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để tăng khả năng tiếp cận tài nguyên du lịch. Chủ động kế hoạch xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, tham gia dự án du lịch, khu vui chơi giải trí… Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn, giao tiếp ứng xử cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành du lịch; tăng cường quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Cà Mau, tuyên truyền, quảng bá kết nối tour tuyến, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo thu hút du khách”.

Theo camau.gov.vn

Tin khác

Video: Đôi dép không thể thiếu nhau