Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương mặc trang phục Mông chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng Y Múa
Y Múa tham gia vào hoạt động du lịch từ năm 2012, từ lúc những người bản Lác đầu tiên đưa khách du lịch lên Hang Kia khám phá. lúc đó Hang Kia chưa có mô hình homestay, chỉ có người phục vụ từ bản Lác theo lên nấu cơm; khách thì ngủ chung nhà dân với mức phí là 50.000 đồng/người/đêm. Do thu nhập thấp như vậy nên người dân Hang Kia cũng không hào hứng lắm, mặt khác, bà con lúc bấy giờ chưa hiểu lắm về du lịch nên không biết làm thế nào thu hút khách.
Y Múa chia sẻ, “Nhận thấy tiềm năng từ du lịch, mình bắt đầu làm. Nhưng chủ thu 50.000 đồng cho một người ngủ qua đêm thì cũng không đủ sức duy trì, mình tiến tới phục vụ nhiều dịch vụ hơn, từ ăn, ngủ, giới thiệu cho du khách trải nghiệm tại địa phương… Một mình cũng không thể làm được, phải nhờ anh Dương Minh Bình (là ai? Vị trí công tác ntn?) và các anh chị có chuyên môn hướng dẫn cách làm bài bản hơn để phát triển. Từ năm 2016 thì bắt đầu đầu tư thêm và đón được hơn 1.000 khách, năm 2017 đón hơn 2.000 khách, năm 2018 đón gần 3.000 khách; năm 2019, chỉ đến tháng 7 đã đón được khoảng 2.000 khách”.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại homestay Y Múa
Khách đến với homestay Y Múa khá đông, ngoài việc đi tự túc thì đến nay có nhiều doanh nghiệp lữ hành đã gửi khách đến như Bất Vân Lâu, Làng Việt, Trầu Cau, Saigontourist, Benthanhtourist… Theo tìm hiểu, có đến một nửa khách đến với homestay của Y Múa là khách nước ngoài, điều này đòi hỏi công tác phục vụ càng chuyên nghiệp hơn. Y Múa cho biết, khách nước ngoài đến thường có HDV đi cùng, tuy nhiên cách ăn uống của họ có sự khác biệt nên đã chuẩn bị thực đơn riêng, khác với thực đơn của người Việt Nam. Khách nước ngoài, đặc biệt là khách Pháp rất thích đi trải nghiệm, họ muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống của người Mông.
Homestay Y Múa có 2 tầng như nhiều nhà sàn khác. Tầng 1 để thông thoáng làm phòng ăn, tầng 2 là nơi ngủ nghỉ, được bài trí tạo không gian sạch sẽ, lịch thiệp; có lò sưởi đốt củi làm ấm vào mùa Đông. Homestay Y Múa không chỉ phục vụ dịch vụ ăn nghỉ cho du khách mà còn cung cấp sản phẩm khám phá và trải nghiệm. Du khách có thể đi bộ khám phá tùy theo cung đường, có thể chọn đoạn 5km, 8km, 10km, 20km…; đi đến độ cao 1.500m ngắm cảnh đẹp hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng. Du khách cũng có thể trải nghiệm vẽ sáp ong, nhuộm chàm, hái chè, sao chè, làm giấy dó thủ công của người Mông; trải nghiệm các trò chơi dân gian, làm nông của người Mông; đi picnic hái rau rừng và nấu ăn ngay tại rừng… Chính sự chất phác, thân thiện của Y Múa, sự hấp dẫn của bản sắc văn hóa Mông cổ truyền ở Hang Kia đã thu hút du khách.
Với lượng khách khá đông và đều đặn khiến thu nhập của Y Múa khá ổn đinh và hỗ trợ tăng thu nhập cho bà con. Từ việc trồng ngô thu hoạch chỉ một mùa tiến đến có thu nhập ổn định và cao hơn việc trồng ngô từ 4-5 lần. Tuy nhiên, theo Y Múa, cốt lõi phát triển du lịch không hẳn là để làm kinh tế. “Mình muốn tạo công ăn việc làm cho bà con ở Hang Kia, tạo cơ hội cho chị em phụ nữ địa phương giao lưu học hỏi mở rộng kiến thức đời sống xã hội, học tập tiếng kinh…” – Y Múa chia sẻ.
Hiện tại homestay Y Múa có 2 bungalow và nhà nghỉ cộng đồng có sức chứa 22 người; 3 lao động thường xuyên, làm việc với mức lương từ 3 triệu - 6 triệu đồng/tháng; còn lại là lao động thời vụ, lúc nào có khách sẽ huy động, lúc cao điểm huy động hơn 10 người với mức phí 150.000-200.000 đồng/người/ngày tùy theo công việc. Tại hội nghị xúc tiến du lịch tại xã Hang Kia do UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, homestay Y Múa cùng các hộ hoạt động homestay ở Hang Kia, lần đầu tiên nhận được sự quan tâm hỗ trợ to lớn của địa phương với mức hỗ trợ lên đến 25 triệu đồng/hộ. Y Múa cho biếtđang đầu tư mở rộng, xây dựng thêm một nhà nghỉ cộng đồng có sức chứa khoảng 40 người và sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 9/2019.
Du khách trải nghiệm vẽ sáp ong
Lò sưởi đốt củi dùng cho mùa Đông
Trang trí bên trong homestay Y Múa