Xây dựng và chia sẻ bộ dữ liệu ngành du lịch: Bài toán phục hồi hậu Covid

Thứ Năm, 05/01/2023 05:59
Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch thông qua việc xây dựng các bộ dữ liệu về du khách, cũng như chia sẻ dữ liệu giữa các điểm đến, sẽ giúp nâng cao chất lượng phục vụ và thu hút thêm nhiều khách du lịch.

Đại dịch Covid-19 đã tác động cực mạnh tới ngành du lịch thế giới. Lượng khách du lịch đã giảm 73% khi các quốc gia đóng cửa biên giới. Năm 2022, tại Việt Nam, mặc dù ngành du lịch nước ta đã cởi bỏ nhiều hạn chế với khách du lịch, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 11 tháng chỉ đạt 2,95 triệu người, giảm 81,9% so với thời điểm trước đại dịch.

Trong bối cảnh đó, dữ liệu được số hóa, phân tích và chia sẻ sẽ là chìa khóa để ngành du lịch phục hồi và phát triển. Dữ liệu sẽ cung cấp thông tin chi tiết về xu hướng, hành vi, thói quen chi tiêu và triển vọng của khách du lịch, từ đó giúp ngành du lịch đưa ra các chính sách thu hút khách tham quan, nâng cao quy hoạch và quản lý du lịch một cách hiệu quả, đồng thời, nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách tại các điểm đến.

Tại tọa đàm “Khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư” do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức mới đây, VietTimes đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Quyết Tâm, CEO Công ty cổ phần VietISO – một công ty cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho ngành du lịch, chủ đề xoay quanh những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng và chia sẻ dữ liệu trong ngành du lịch.

PVLà một doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số trong ngành du lịch, xin ông cho biết đôi nét về công việc mà VietISO đã làm thời gian qua?

Ông Nguyễn Quyết Tâm: Du lịch là ngành kinh tế hỗn hợp, nó không giống như ngành y tế hay tài chính, cho nên tiêu chuẩn của dữ liệu là quan trọng nhất. Làm sao chúng ta phải xây dựng được cấu trúc dữ liệu ngành.

Hiện giờ thì ngành du lịch chưa có những cấu trúc này. Bản thân chúng tôi là những đơn vị tiên phong xây dựng các cấu trúc, cũng như các dữ liệu mở để hỗ trợ cho việc chia sẻ dữ liệu du lịch giữa các tỉnh.

Chúng tôi đã bước đầu thành công trong việc thiết lập hệ thống tài nguyên du lịch quốc gia. Hiện giờ chúng tôi đang thiết lập các bộ dữ liệu cho hệ thống này, số hóa được gần 1500 tài nguyên du lịch trên toàn quốc. Bước đầu các dữ liệu này đã được chia sẻ cho các tỉnh, ví dụ như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh…

Đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Như bạn biết rồi đấy, công nghệ được cập nhật hàng ngày từ đó sẽ giúp chúng tôi chuẩn hóa được bộ dữ liệu trong tương lai. Đó là dữ liệu về tài nguyên du lịch.

Đối với dữ liệu về khách du lịch: Khi một khách du lịch đến Việt Nam tới tham quan các nơi thì sẽ có các “điểm chạm”. Chính vì vậy chúng ta phải thống kê được 1 khách du lịch đến Việt Nam đã tới đâu, sử dụng dịch vụ gì, đem lại doanh thu bao nhiêu. Từ đó chúng ta sẽ đánh giá được chi tiêu của khách du lịch đến từ thị trường A nào đó, khi họ tới Việt Nam thì khả năng chi tiêu là bao nhiêu. Đó cũng là bài toán mà chúng tôi hướng tới để hoàn thành trong năm 2024.

Xây dựng và chia sẻ bộ dữ liệu ngành du lịch: Bài toán phục hồi hậu Covid ảnh 1

Ngành du lịch có rất nhiều loại dữ liệu khác nhau. Cái quan tâm nhất của chúng tôi là làm thế nào để các tỉnh/các điểm đến có thể kết nối với nhau, chia sẻ dữ liệu. Đây chính là mục tiêu của dự án iTourism mà chúng tôi đang thực hiện và bước đầu có những thành công nhất định. Với sự tham gia của chúng tôi thì các tỉnh bây giờ cũng đang bắt đầu số hóa dữ liệu du lịch của mình.

PVThưa ông, việc mở dữ liệu ngành du lịch với quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân có mâu thuẫn gì không? Đứng ở vai trò một khách du lịch, chắc họ cũng không thích thông tin của mình bị tiết lộ khi tới các điểm tham quan khác nhau? Chúng ta cũng không lạ gì tình trạng các hãng taxi biết trước thông tin về lịch bay của hành khách để nhắn tin mời chào.

Ông Nguyễn Quyết Tâm: Bản thân ngành du lịch sẽ không lưu trữ các thông tin nhạy cảm như số chứng minh thư nhân dân chẳng hạn. Chúng tôi chỉ lưu trữ số điện thoại, email, họ và tên khách du lịch. Dữ liệu của khách sẽ không phải mở hoàn toàn mà kết nối thông qua các mã định danh ID giống như trên chứng minh thư. Tất cả các bộ, ban, ngành có thể sử dụng như một nguồn thống nhất. Nếu mỗi địa phương lưu trữ một kiểu thì sẽ không có hiệu quả trong việc kết nối và chia sẻ dữ liệu ngành du lịch.

PVThực tế khi xây dựng các phần mềm cho ngành du lịch thì công ty có gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quyết Tâm: Chúng tôi là một công ty cung cấp giải pháp cho ngành du lịch. Tuy nhiên, nhà nước có những thể chế, pháp luật riêng cho ngành nên chúng tôi có thể gặp những khó khăn. Chẳng hạn chúng tôi đang xây dựng bộ dữ liệu du lịch theo chuẩn A, nhưng chính phủ hoặc Tổng cục Du lịch một thời gian sau lại yêu cầu áp dụng chuẩn B, thì lúc đó chúng tôi sẽ phải cập nhật lại dữ liệu để tuân thủ theo chính sách của ngành.

Xây dựng và chia sẻ bộ dữ liệu ngành du lịch: Bài toán phục hồi hậu Covid ảnh 2

Ông Nguyễn Quyết Tâm

PVÔng có mong muốn, đề xuất gì cho cơ quan quản lý nhà nước về việc hỗ trợ số hóa dữ liệu ngành du lịch không, đặc biệt là khối tư nhân có thể được phép tham gia xây dựng bộ dữ liệu của ngành?

Ông Nguyễn Quyết Tâm: Chúng tôi rất mong nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi. Bản thân VietISO không cần quan tâm quá nhiều về vấn đề tài chính, tiền hỗ trợ từ nhà nước hoặc địa phương, bởi vì chúng tôi đã tự đầu tư từ nhiều năm nay để làm việc này. Vì thế, chúng tôi mong muốn có một cơ chế nào đó để có thể chia sẻ dữ liệu đó cho các địa phương.

Đứng ở vị trí Tổng cục Du lịch chẳng hạn, thì Tổng cục sẽ là đơn vị đưa ra các tiêu chuẩn dữ liệu để các địa phương có thể kết nối. Làm thế nào để ban hành một trung tâm dữ liệu - cấu trúc dữ liệu ngành dọc. Đó là cái mà chúng tôi đề xuất để có thể cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh du lịch.

PVXin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Theo Đăng Khoa (Viettimes)

Tin khác