WHO: Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25%

Thứ Sáu, 22/04/2022 15:52
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/4 thông báo số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25% trong tuần trước, tiếp tục đà giảm từ cuối tháng 3.
WHO: Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25% - Ảnh 1.

Theo WHO, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu giảm gần 25% - Ảnh: AP

Theo cơ quan này, số ca mắc COVID-19 ghi nhận trong tuần từ 11-17/4 là gần 5,59 triệu ca, giảm 24% so với tuần trước đó. Số ca tử vong liên quan COVID-19 cũng giảm 21% còn 18.215 ca trong tuần trước.

WHO cho biết mọi khu vực đều ghi nhận số ca mắc giảm, riêng các nước châu Mỹ tỉ lệ giảm chỉ khoảng 2%. 

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý xu hướng giảm cần được tiếp cận, phân tích một cách thận trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược xét nghiệm virus SARS-CoV-2, làm giảm số lượt xét nghiệm, kéo theo số ca mắc COVID-19 được thống kê cũng giảm.

Theo TTXVN, các nước có số ca mắc mới cao nhất trong tuần qua là Hàn Quốc với hơn 972.000 ca, Pháp với hơn 827.000 ca và Đức là 769.000 ca. Trong khi đó, số ca tử vong được ghi nhận nhiều nhất tại Mỹ (3.076 ca), Nga (1.784 ca) và Hàn Quốc (1.671 ca).

Đến nay, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 507 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 6,2 triệu ca tử vong.

G20 lập quỹ chống dịch toàn cầu

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đây đã nhất trí về nguyên tắc việc thành lập quỹ toàn cầu sẵn sàng cho đại dịch.

Theo một tuyên bố của nước Chủ tịch G20, Indonesia, sau các cuộc họp Bộ trưởng Tài chính ở Washington trong tuần này, G20 đã "đạt được đồng thuận" về việc thành lập một quỹ mới để giải quyết thiếu hụt về tài chính cho công tác chuẩn bị, phòng ngừa và hành động để ngăn chặn đại dịch.

Tuyên bố cho biết lựa chọn hiệu quả nhất sẽ là một quỹ tài chính trung gian đặt tại Ngân hàng Thế giới (WB) và mục tiêu là hoàn thiện chi tiết về quỹ này tại cuộc họp Bộ trưởng Y tế G20 vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, G20 không đưa ra chi tiết về quy mô của quỹ hay vai trò của WHO trong quỹ này.

WHO và WB đầu tuần này ước tính kinh phí cho việc chuẩn bị phòng ngừa đại dịch mỗi năm thiếu hụt 10,5 tỷ USD. Quỹ phòng ngừa đại dịch sẽ cần tài trợ trong 5 năm, tương đương 50 tỷ USD./.

Theo Chinhphu.vn

Tin khác