Với chủ đề "Bình thường mới - Cơ hội mới cho Du lịch Việt Nam", VITM Hà Nội 2022 diễn ra từ ngày 31/3 đến ngày 3/4, có ý nghĩa quan trọng cho một giai đoạn mới của ngành du lịch nhằm khởi động lại các hoạt động kết nối, giao thương, hợp tác phục hồi và phát triển du lịch.
Mặc dù rất khó khăn sau 2 năm đại dịch, số lượng doanh nghiệp tham dự hội chợ vẫn đông đảo với hơn 500 doanh nghiệp đến từ 52 tỉnh, thành phố và từ 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự kiến sẽ có trên 2.000 doanh nghiệp và trên 40.000 người đến tham gia các hoạt động tại hội chợ.
VITM Hà Nội 2022 có rất nhiều sự kiện và hoạt động bên lề, với nhiều nội dung đa dạng, phong phú khác nhau liên quan đến phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó nổi bật có diễn đàn du lịch quốc gia "Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới", hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch "3 địa phương 1 điểm đến" (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh), hội thảo "Nguồn nhân lực du lịch", giới thiệu các chương trình chuyển đổi số trong du lịch, giới thiệu các chương trình kích cầu du lịch, hội thảo "Du lịch golf, thế mạnh của du lịch Việt Nam", hội nghị giới thiệu Hội chợ du lịch quốc TPHCM-ITE HCMC 2022, hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch mội số tỉnh, thành phố…
Phát biểu khai mạc VITM Hà Nội 2022, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt cho rằng, đại dịch COVID-19 mang lại cho ngành du lịch toàn cầu nhiều khó khăn, nhưng cũng mang lại cho du lịch Việt Nam nhiều cơ hội mới. Đây là dịp để chúng ta tư duy lại, định vị lại, cơ cấu lại ngành du lịch, tạo ra sự bứt phá mới, đẳng cấp mới trong phát triển.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị, cần quan tâm đẩy mạnh đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đầu tư cho phát triển sản phẩm mới, điểm đến mới, đường bay mới theo nhu cầu và xu hướng mới sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và khuyến khích khởi nghiệp trong du lịch.
Bên cạnh đó, ông Đoàn Văn Việt cho rằng, ngành du lịch cần cơ cấu lại thị trường sau đại dịch COVID-19, nhất là các thị trường khách du lịch quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá vào các thị trường mục tiêu, thị trường nguồn. Trong có cần chú trọng đặc biệt đến việc sử dụng công nghệ trong xúc tiến, quảng bá du lịch như các hoạt động xúc tiến, quảng bá trên nền tảng số.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp, điểm đến của các quốc gia khác trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tận dụng và khai thác tối đa khoảng thời gian trước, trong và sau hội chợ để nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển trong giai đoạn mới.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL tin tưởng rằng, tại hội chợ này, với sự chủ động, tích cực của các địa phương và doanh nghiệp, nhiều liên kết mới, nhiều hợp đồng kinh doanh mới sẽ được ký kết, tạo đà cho sự phục hồi của du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Ngay sau lễ khai mạc, các hoạt động giao thương, xúc tiến du lịch đã diễn ra sôi động tại hội chợ. Dự kiến tại hội chợ năm nay, các doanh nghiệp du lịch và hàng không sẽ tung ra trên 10.000 tour kích cầu, 100.000 vé máy bay giá rẻ và trên 1.000 quà tặng.