Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, ông Cho Han Deog và Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, bà Rana Flowers, đã trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hai năm qua.
Ông Cho Han Deog cho rằng, năm 2021 là một năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới do sự xuất hiện của các chủng virus mới với lây nhiễm nhanh đột biến.
Mặc dù vậy, với sự lãnh đạo của những người đứng đầu đất nước, năng lực của Chính phủ, sự hy sinh của đội ngũ nhân viên y tế và sự đồng lòng cố gắng của người dân, dịch bệnh đã được ngăn chặn hiệu quả.
Chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị đều quan trọng trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm như COVID-19. Việt Nam chưa trực tiếp sản xuất được vaccine, nên trong năm 2020, Chính phủ đã tập trung vào công tác phòng dịch và đã ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Đến năm 2021, để nâng cao tỉ lệ tiêm chủng trên toàn quốc, Chính phủ đã thông qua con đường ngoại giao để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo đủ số lượng vaccine cần thiết cho toàn dân. Chiến dịch này đã thành công khi tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam đạt mức cao.
Đề cập tới nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua, bà Rana Flowers nhận định, thực hiện khẩu hiệu "Chống dịch như chống giặc", Việt Nam đã nỗ lực hết mình trong việc huy động sự tham gia, ủng hộ của toàn hệ thống chính trị và nhân dân cho hoạt động ứng phó với COVID-19.
Nhiều biện pháp hữu hiệu được triển khai quyết liệt, như phát hiện sớm, truy vết nhanh, kiểm soát chặt chẽ. Ngay sau khi có vaccine phòng COVID-19, Việt Nam đã kịp thời và chủ động thực hiện các hành động để đảm bảo nguồn cung, cũng như quản lý nguồn vaccine trên toàn quốc.
Trưởng Đại diện UNICEF đề cao việc Chính phủ phân phối vaccine một cách an toàn và hiệu quả, cũng như việc Việt Nam đã huy động được lượng vaccine cần thiết để tiêm cho người dân.
Bà Rana Flowers bày tỏ, hành động quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua đã cho thấy, khi Chính phủ đã đưa ra cam kết thì sẽ luôn thực hiện rất hiệu quả.
Thêm vào đó, tỉ lệ nhiễm bệnh và tỉ lệ tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức thấp so với nhiều quốc gia khác và đây là thành quả của các chiến lược phòng, chống COVID-19 do Chính phủ Việt Nam đề ra và thực hiện.
Chính sách ngoại giao vaccine là một yếu tố quan trọng để Việt Nam có được nguồn cung vaccine cần thiết nhằm đạt được số lượng người được tiêm chủng cao như hiện nay. Ngoài ra, Việt Nam đã huy động thành công sự hỗ trợ từ các công ty, tổ chức và người dân thông qua Quỹ vaccine được phát động vào tháng 6 năm ngoái. Việt Nam đã thể hiện sự cam kết và đoàn kết đáng kinh ngạc trong chiến dịch tiêm chủng này.
Thông qua chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc, hệ thống tiêm chủng được tiếp tục củng cố và nhận được nhiều sự hỗ trợ của các ngành, bao gồm cả quân đội, công an và giáo dục, để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cả nước từ trước đến nay.
Bà Rana Flowers cũng đưa ra những khuyến nghị dành cho Việt Nam nhằm ứng phó với các biến chủng mới của COVID-19 trong thời gian tới. Theo đó, Việt Nam cần thúc đẩy việc tiêm chủng đầy đủ cho người dân, tiêm các liều bổ sung để giảm thiểu số ca mắc mới, giảm nguy cơ bệnh nặng do COVID-19 và giảm tử vong liên quan đến COVID-19.
Việt Nam cũng cần đảm bảo cho hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và nâng cao năng lực hệ thống y tế nhằm đối phó với các biến thể mới như Omicron, cũng như tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng vệ và thực hiện chiến lược 5K.
Cam kết mạnh mẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2022
Ông Cho Han Deog cho biết, để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam, KOICA tập trung hỗ trợ 4 lĩnh vực chính, bao gồm tăng cường hệ thống đổi mới quốc gia; xây dựng thể chế quản trị hiệu quả, có trách nhiệm và minh bạch; xây dựng nông thôn bền vững và toàn diện; hỗ trợ đô thị thông minh và phát triển đô thị bền vững.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã khởi động khẩn cấp Chương trình nghị sự xây dựng khả năng ứng phó với dịch COVID-19 với mục tiêu cung cấp vật tư phòng dịch và hỗ trợ thực phẩm, trang thiết bị y tế cho một số quốc gia đang phát triển trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Đáp lời kêu gọi về ngoại giao vaccine của Việt Nam, Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam 1,39 triệu liều AstraZeneca trong năm 2021. Chính phủ Hàn Quốc, thông qua KOICA, đã tài trợ cho Việt Nam 42,5 triệu bơm kim tiêm và 300.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên. Sự hỗ trợ này được xem là rất thiết thực, góp phần hỗ trợ công tác tiêm chủng và chẩn đoán bệnh mà Chính phủ Việt Nam đang rất chú trọng. Điều này cũng góp phần vào việc nối lại các hoạt động kinh tế tại Việt Nam.
Trong năm 2022, KOICA dự kiến triển khai 26 dự án hợp tác chính thức với tổng quy mô 248 triệu USD, 12 dự án mới hợp tác của các viện nghiên cứu Hàn Quốc với tổng quy mô 18 triệu USD, 7 dự án hợp tác công tư với quy mô 5 triệu USD. Như vậy tổng quy mô tài trợ trong năm nay của KOICA dành cho Việt Nam dự kiến là 272 triệu USD.
Theo bà Rana Flowers, với tư cách là đối tác phân phối chính của COVAX Faclity, UNICEF đã thúc đẩy việc chuyển giao hơn 47 triệu liều vaccine phòng COVID-19 (nhiều hơn gần 10 triệu liều so với phân bổ ban đầu), cùng với các thiết bị tiêm chủng cho Việt Nam vào năm 2021.
Một trong những hỗ trợ quan trọng nữa là mua sắm và vận hành trang thiết bị (bao gồm 2.612 tủ lạnh và tủ âm sâu bảo quản vaccine) để đảm bảo rằng Việt Nam có đủ năng lực bảo quản và phân phối một cách an toàn số lượng lớn vaccine phòng COVID-19, cũng như các vaccine thông thường khác.
Thông qua UNICEF, COVAX Facility sẽ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam ít nhất 15 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và các thiết bị tiêm liên quan trong quý I/2022.
Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế cam kết đồng hành với Việt Nam trong thời gian tới, với tầm nhìn xây dựng Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực, hướng đến nền kinh tế xanh và bao trùm và để không một ai bị bỏ lại phía sau vì đại dịch.