Theo đó, đồng bạc xanh đạt 115,815 JPY, mức cao nhất kể từ ngày 11/1/2017, khi lợi suất qua đêm trái phiếu kho bạc dài hạn tăng 12,5 điểm cơ bản lên chạm 1,6420% lần đầu tiên kể từ ngày 24 tháng 11.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với đồng yen và 5 đồng tiền đối tác lớn khác, sáng 4/1 duy trì ở mức 96,328, sát mức cao nhất một tuần như phiên liền trước, 1/1.
Năm 2021, USD đã tăng giá ngoạn mục, và hiện thị trường tin chắc rằng USD sẽ còn có 3 đợt tăng giá mạnh trong năm 2022, một lần tăng mạnh vào tháng 5 và hai lần nữa tăng mạnh vào cuối năm 2022.
Đồng euro được giao dịch ở mức 1,1302 USD, rời khỏi mức thấp nhất 1 tuần, là 1,12795 USD, của phiên 3/1.
Shinichiro Kadota, chiến lược gia tiền tệ cao cấp của Barclays ở Tokyo, cho biết: "Thị trường đang sắp xếp lại vị thế các đồng tiền trong kịch bản Mỹ sẽ tăng lãi suất một cách tích cực, hoặc ít nhất là có khả năng đó, trong năm 2022, và chắc chắn sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ cho đồng USD".
"Câu hỏi quan trọng cho năm nay là lạm phát sẽ đi về đâu, đỉnh điểm ở đâu?", ông Kadota nói.
Trong khi sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron tiếp tục ảnh hưởng đến du lịch toàn cầu và các dịch vụ công cộng, đồng thời làm trì hoãn thời điểm mở cửa trở lại của một số trường học ở Mỹ sau kỳ nghỉ lễ, các nhà đầu tư vẫn lạc quan rằng giai đoạn đóng cửa hiện tại sẽ được ngăn chặn được đà tăng số ca nhiễm.
Hôm thứ Hai (3/1), Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cho phép sử dụng liều thứ ba tăng cường vắc-xin Pfizer và BioNTech COVID-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, đồng thời thu hẹp thời gian cho tất cả các mũi tiêm nhắc lại xuống còn năm tháng kể từ mức 6 tháng quy định trước đây sau 2 mũi tiêm đầu.
Đô la Australia và đô la New Zealand duy trì quanh mức thấp nhất 2 tuần như phiên liền trước, một phần do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng có thể khiến ngân hàng trung ương nước này trở nên ôn hòa hơn trong chính sách tiền tệ của mình. Sáng 4/1, đô la Australia dao động nhẹ gần mức thấp nhất trong vòng hai tuần, là 0,7184 USD, ở phiên liền trước. AUD gần đây đã nhiều lần cố gắng phá vỡ ngưỡng kháng cự 0,7275 USD nhưng đều thất bại, và hiện đang thử ngưỡng hỗ trợ 0,7190 USD. Số ca nhiễm Covid-19 ở Australia ngày 3/1 đã chạm mức cao nhất từ trước tới nay trong bối cảnh số ca nhiễm virus Omicron gia tăng ở các bang phía đông, khiến số ca nhập viện ở bang New South Wales lên một đỉnh cao mới. Tương tự, New Zealand cũng báo cáo trường hợp nhiễm Omicron lây truyền trong cộng đồng đầu tiên vào ngày 3/1, mặc dù tổng số nhiễm vẫn còn rất thấp. Đồng đô la New Zealand ổn định ở mức 0,6787 USD, sau khi không thể bứt phá khỏi ngưỡng thấp 0,6855 USD trong những phiên gần đây.
Bảng Anh giảm xuống còn 1,34685 USD, sau khi giảm xuống 1,3431 USD lần đầu tiên kể từ ngày 29 tháng 11 trong phiên liền trước.
Cập nhật tỷ giá các đồng tiền chủ chốt.
Ở Châu Á, bath Thái Lan bật tăng lên mức cao nhất hơn 2 tuần, khởi đầu một năm mới tích cực khi các nhà đầu tư không còn quá chú ý đến số ca nhiễm biến thể Omicron lan rộng. Tuy nhiên, hầu hết các đồng tiền mới nổi ở Châu Á vẫn tiếp tục giảm giá.
Ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp, đồng baht tăng giá 0,3% lên 33,26 THB/USD, mức cao nhất kể từ cuối tháng 11.
Đồng tiền Thái Lan khởi đầu năm 2022 mạnh mẽ sau khi đãị sụt giảm tồi tệ nhất trong hai thập kỷ ở năm 2021 – giảm 11% giá trị khi đại dịch tấn công ngành du lịch chủ chốt của Thái Lan.
Ở những nơi khác của Châu Á, triển vọng về một đợt tăng lãi suất sớm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục gây áp lực giảm giá tiền tệ Châu Á.
Peso Philippines giảm giá 0,4% xuống mức thấp nhất trong hơn ba tháng, trong khi đồng Rupiah Indonesia, ringgit Malaysia và won Hàn Quốc mỗi loại giảm giá khoảng 0,3%. Nhân dân tệ Trung Quốc phiên này cũng giảm 0,4% xuống 6,3695 CNY.
Trái với xu hướng của thị trường tiền tệ Châu Á, chứng khoán Châu Á khởi đầu năm tích cực, được ảnh hưởng từ việc chứng khoán Phố Wall cao kỷ lục trong ngày giao dịch đầu tiên của năm 2022, bất chấp lo ngại việc biến thể Omicron lan rộng có thể cản trở sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á Thái Bình Dương trừ Nhật Bản sáng 4/1 đã tăng 0,67% so với phiên trước. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông và chỉ số CSI300 tham chiếu của Trung Quốc tăng lần lượt 0,5% và 0,25%. Chỉ số chứng khoán Singapore, Thái Lan và Indonesia tăng từ 0,5% đến 1,2%, trong khi cổ phiếu Malaysia giảm tới 0,8%, tiếp nối đà giảm ở phiên trước.
Riêng sàn giao dịch chứng khoán Philippines bị trì hoãn mở cửa không rõ nguyên nhân. Sàn này cho biết sẽ thông báo lý do sau.
Bên cạnh đó, chứng khoán của Australia tăng 1,15% nhờ chứng khoán nhóm khai thác khoáng sản và năng lượng tăng, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng tăng 1,25%.
Các nhà phân tích của ngân hàng Mizuho Bank cho biết: "Các thị trường dường như đã lưu giữ lại ký ức về năm 2021 và đặt vấn đề Omicron sang một bên để tập trung vào việc Fed tăng lãi suất dẫn đến lợi suất kho bạc Mỹ tăng và củng cố sức mạnh của đồng đô la Mỹ cùng với sự tiếp tục tăng điểm ở thị trường chứng khoán".
Vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu tăng gần gấp đôi kể từ đầu 2020 đến nay nhờ các chương trình kích thích tiền tệ và tiêm chủng vắc xin.
Tham khảo: Refinitiv