Theo tin từ cơ quan Bảo hiểm xã hội, với việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới từ ngày 1/7 tới, mức hưởng trợ cấp với người lao động đóng Bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc làm cũng tăng theo.
Theo quy định của Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp; nhưng không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng với người lao động tại doanh nghiệp (hoặc bằng 5 lần mức lương cơ sở với người lao động làm trong khu vực nhà nước).
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp: từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó cứ thêm 12 tháng đóng được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Như vậy, khi lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1/7, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng lên, cụ thể:
Vùng I, với mức lương tối thiểu mới là 4,68 triệu đồng/tháng, trợ cấp thất nghiệp tối đa hằng tháng là 23,4 triệu đồng/tháng (cao hơn mức hiện hành 1,3 triệu đồng/tháng).
Vùng II, với mức lương tối thiểu 4,16 triệu đồng/tháng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa lên 20,8 triệu đồng/tháng (tăng 1,2 triệu đồng/tháng so với hiện hành).
Vùng III, với mức lương tối thiểu 3,64 triệu đồng/tháng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa lên 18,2 triệu đồng/tháng (tăng 1,05 triệu đồng/tháng so với hiện hành).
Vùng IV, với mức lương tối thiểu 3,25 triệu đồng/tháng, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa lên 16,25 triệu đồng/tháng (tăng 900 nghìn đồng/tháng so với hiện hành).
Với người đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 12 năm trở lên, làm việc cho doanh nghiệp tại vùng I, khi mất việc có thể nhận được tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, tương ứng tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp nhận được là 280,8 triệu đồng (tăng thêm hơn 15,6 triệu đồng so với mức hiện hành).
Với những người đã tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm, sau khi hưởng tối đa số tháng trợ cấp (12 tháng), số tháng đã đóng nhưng chưa hưởng sẽ tiếp tục được bảo lưu và cộng tiếp vào lần đóng khi có việc làm để hưởng ở các lần thất nghiệp sau (nếu có).
Ngoài trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, người thất nghiệp còn được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế tương ứng số tháng nhận trợ cấp.