Cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc xử lý hiện trường khai quật, năm 2012 (Ảnh: BTLSQG)
Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi, Bãi Lòi và Bãi Phôi Phối, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Được phát hiện từ năm 1974, đến nay, Bãi Cọi đã trải qua nhiều đợt nghiên cứu và khai quật, trong đó đáng chú ý nhất là các đợt khai quật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện từ năm 2009 đến 2012. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Bãi Cọi là di tích khảo cổ học đặc biệt, bởi nó mang đặc trưng của hai nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng. Điều đó chứng tỏ, với vị trí của mình, Bãi Cọi chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn. Vì vậy, di tích Bãi Cọi có ý nghĩa rất quan trọng trong nghiên cứu thời Sơ sử ở Việt Nam, từ hơn hai nghìn năm trước. Vì vậy, năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công nhận Di tích Khảo cổ học Bãi Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp Quốc gia.
Với gần 150 ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được lựa chọn với nhiều chất liệu, trưng bày cung cấp tư liệu khoa học góp phần làm sáng tỏ những khoảng trống lịch sử giai đoạn Sơ sử miền Trung Việt Nam và ghi nhận thành công của mô hình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.
Trưng bày gồm 3 phần. Phần 1: Bãi Cọi -Hành trình khám phá, giới thiệu khái quát về quá trình nghiên cứu, khai quật Bãi Cọi, đặc biệt nhấn mạnh 3 lần khai quật do Bảo tàng Lịch sử quốc gia chủ trì. Kết quả các cuộc khai quật làm sáng tỏ nhiều bí ẩn: Bãi Cọi thuộc văn hóa Sa Huỳnh vùng Trung bộ, có sự du nhập của văn hóa Đông Sơn và văn hóa đồ sắt Trung Quốc. Hiện vật, tài liệu được đưa ra trưng bày gồm: Công cụ đá, bàn mài, gốm đáy nhọn, ảnh khai quật và một số bản đồ, bản vẽ…
Phần 2: Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hoá, giới thiệu những hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật mộ táng tại di tích Bãi Cọi với hai loại hình mộ chính là mộ chum và mộ huyệt đất. Điểm tạo nên giá trị đặc biệt là trong các mộ chum (Sa Huỳnh) có các hiện vật thuộc văn hoá Đông Sơn, trong các mộ huyệt đất (Đông Sơn) lại có các hiện vật mang đặc trưng văn hoá Sa Huỳnh và văn hoá đồ sắt Trung Quốc.
Các sưu tập hiện vật trưng bày gồm: Sưu tập chum gốm mai táng, mộ huyệt đất và các sưu tập đồ tuỳ táng, đồ gốm, đồ kim loại, đồ sắt, đồ trang sức… giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về cách thức mai táng, phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như đời sống sinh hoạt của cư dân Bãi Cọi đương thời.
Phần 3: Hợp tác quốc tế giữa giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, giới thiệu quá trình hợp tác thám sát, khai quật cũng như quy trình bảo quản, phục dựng những hiện vật di tích Bãi Cọi bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại và phương pháp nghiên cứu mới.
Trưng bày là dịp để công chúng có thêm nhận thức về vị trí, vai trò và giá trị của di tích Bãi Cọi trong diễn trình lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến tháng 4 năm 2021./.