Triết lý kinh doanh đôi dép: Đi đến tận cùng dân tộc để vươn ra thế giới và chạm trái tim mọi người

Thứ Bảy, 13/02/2021 12:23
Người sáng lập hệ sinh thái Đôi Dép không đơn giản “phải lòng” một bài thơ mà nhìn ra triết lý kinh doanh đầy thông minh để khởi nguồn cho những ý tưởng lớn lao và khát vọng kết nối trái tim, cùng nhau vươn ra thế giới trên chính cội rễ ngàn đời của dân tộc. Dường như, càng vận dụng những tư tưởng rất thuần Việt thì sức vươn mạnh mẽ của họ trong mọi hoàn cảnh lại càng trở nên vững chắc hơn bao giờ hết.

Minh triết của sự sóng đôi

Giản dị, độc đáo nhưng lại chất chứa thông điệp giàu “tình người” và thấm đẫm “tuyên ngôn” dạt dào tính triết lý, có lẽ vì thế mà nhiều người Việt vẫn yêu thích rồi tự nghiền ngẫm ra cho mình một tầng ý nghĩa khác nhau trong bài thơ "Đôi dép" của tác giả Nguyễn Trung Kiên.

“Hai mảnh đời thầm lặng bước song song

Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc

Chỉ còn một là không còn gì hết

Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia”.

Trong bài thơ, câu chuyện về tình yêu, tri kỷ, về hai tâm hồn hòa hợp không thể thiếu nhau, không thể thay thế được nhấn mạnh. Nhiều người đã lấy những vần thơ ấy ra để tỏ tình, để bóng gió về sự đồng điệu của tâm hồn, của sự tương tự nhưng không thể là một.

Nhưng người ta cũng có thể thấy sự minh triết trong từng câu chữ, khi hình ảnh đôi dép làm hiển lộ ý niệm về sự sóng đôi, hài hòa âm - dương mà người Việt đã thực hành cả ngàn năm nay. Người Việt rất ngưỡng mộ một cuộc sống bình hòa, diễn ra trong sự sóng đôi, có đôi có cặp, rất đỗi tự nhiên của một dân tộc đi lên từ nông nghiệp và triết lý sóng đôi. Trong khi trên thế giới, vật tổ của các dân tộc thường là một loài động vật cụ thể như voi, chim ưng, đại bàng, chó sói, bò… thì vật tổ của người Việt là một cặp đôi trừu tượng Rồng - Tiên là Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Triết lý về sự sóng đôi ấy còn được trải ra trong những sự kết hợp. Như trong kiến trúc thuần Việt chẳng hạn, trong khi kiến trúc phương Tây, không gian của công trình luôn phát triển theo chiều cao như một sự khẳng định cho sự chế ngự tự nhiên, thì kiến trúc cổ Việt Nam thường dàn trải không gian theo chiều sâu và chiều rộng, thể hiện sự tôn trọng tự nhiên, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Từ nhà ở dân gian đến những công trình tôn giáo, hành chính, người ta thường sắp xếp những nếp nhà ẩn hiện trong những tán cây, phía trước mặt là sông, ngòi, ao, hồ... có cao thì có sâu, thế mới được coi là đẹp, là cân bằng.

 

Sự minh triết sóng đôi ấy còn có thể nhìn thấy ngay trong những vật dụng đơn giản nhất ta gặp hằng ngày như đôi đũa, đôi dép, đôi nến thờ... thể hiện khát vọng có đôi, sự cân đối, hài hòa… Đã gọi là đôi, nghĩa là có nhau, đi cùng nhau trong trạng thái không thể thiếu hụt, không thể tách rời. Một đôi đũa mất đi một chiếc, chỉ còn là cái que. Một đôi tất, một đôi dép mất đi một bên, đó không phải hụt đi một nửa, mà sẽ mất hoàn toàn giá trị.

Đó có lẽ chính là lý do ngầm ẩn khiến bài thơ gần như không có gì đánh đố về ngôn ngữ ấy đã chạm đến trái tim nhiều người Việt. Và có lẽ đó là nguồn cơn của sự “say đắm” mà người sáng lập hệ sinh thái kinh doanh Đôi Dép đã lĩnh hội được qua bài thơ, đến mức xây dựng một triết lý kinh doanh xoay quanh ý niệm "Không thể thiếu nhau".

Hệ sinh thái kinh doanh bắt rễ từ dân tộc

Trở lại với bài thơ Đôi dép, có lẽ nhiều người khi đọc bài thơ sẽ nghĩ tới hình ảnh chủ đạo là tình yêu, là cặp đôi. Nhưng khi áp dụng trong kinh doanh, theo lời của người sáng lập chuỗi kinh doanh lạ kỳ này, Đôi dép không chỉ gói gọn ở ý nghĩa giản đơn như vậy, mà nó bao trùm mọi mối quan hệ. Ấy là sự

khắng khít mật thiết giữa các thành tố xã hội với nhau: giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa ông chủ với nhân viên, giữa thầy với trò, giữa vợ chồng với nhau, giữa bố mẹ với con cái…tất cả đều hỗ trợ cho nhau tạo thành một liên kết hoàn hảo và “không thể thiếu nhau”.

Và cũng chính bởi ý nghĩa đó mà Đôi Dép ra đời với một hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ gắn kết với nhau với triết lý bao trùm là không thể thiếu nhau, trong đó 3 trụ cột chính là trà, cà phê; Du lịch và sản phẩm tiêu dùng nhanh như chuỗi cà phê Tea Garden, chuỗi Tea Shop, Tea World; dịch vụ lưu trú nhà hàng gồm Sandals Star, Sandals Hotel, Tea Villa, khu nghỉ dưỡng bùn khoáng Tea Resort…

Tất cả những sản phẩm, dịch vụ ấy là một hệ sinh thái của những sự hài hòa, cân bằng lại “phần kia” cuộc đời của khách hàng. Thưởng trà, uống cafe để tìm lại sự thư thái; nghỉ ngơi, dùng bữa do người khác nấu nướng để những mỏi mệt, ồn ã bên ngoài lùi xa. Đó cũng là lời nhắn gửi duyên dáng đến khách hàng, hãy dành thời gian để gắn kết với gia đình, bạn bè, với cả chính phần còn lại trong tâm hồn mỗi người nữa.

Triết lý sóng đôi được áp dụng triệt để trong không gian của các Tea shop, điểm kinh doanh cà phê hay resort, khách sạn qua việc trang trí, bày biện theo số chẵn, chẳng hạn đó là những cặp ghế đôi, bình hoa đôi, bức tranh mẹ con, đối tác treo trên tường… tạo ra không gian vô cùng đặc biệt. Thậm chí ngay cả việc phục vụ dịch vụ cũng thường có 2 người.

Tất cả những cầu kỳ đó, không phải Đôi Dép hướng tới việc bán được nhiều gấp đôi số lượng sản phẩm, mà là sự tôn trọng giá trị lõi của triết lý mà nhà sáng lập đã theo đuổi. “Không thể thiếu nhau” được gợi hứng cụ thể từ một bài thơ, nhưng sâu hơn thế, nó có gốc rễ từ những suy tưởng thuần Việt.

Không thể thiếu nhau để vượt qua mọi khó khăn

Không chỉ là triết lý không thể thiếu nhau bao trùm trong kinh doanh, mà những thành tố trong hệ sinh thái đặc thù này cũng có sự tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau phát triển, cùng nhau vượt qua những khó khăn và cùng nhau tận hưởng thành quả ngọt ngào.

Như trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp, mô hình kinh doanh lao đao vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ngành du lịch trải qua nhiều thời gian bị gần như "đóng băng", mà mảng du lịch của Đôi Dép cũng không là ngoại lệ. Nhưng chính triết lý Không thể thiếu nhau đã giúp hệ sinh thái này vượt qua khó khăn để rồi tiếp tục hái thêm những trái ngọt.

Chẳng hạn không thể thiếu nhau giữa người làm chủ và người lao động, khi ông chủ không sa thải lao động mà quyết định bù lỗ để cán bộ nhân viên yên tâm công tác và cống hiến cho công ty, ngược trở lại,thấu hiểu sự nhân văn ấy, bản thân người lao động cũng tự nguyện giảm bớt thu nhập để cùng chia sẻ khó khăn với ông chủ. Cả hai bên đều hiểu rằng họ chính là những thành tố quan trọng để tạo nên một hệ sinh thái kinh doanh khỏe mạnh, bởi họ không thể thiếu nhau…

Hay như mảng du lịch bị ảnh hưởng bởi khách hàng huỷ booking dịp Tết này do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm trà, cà phê có tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu tăng cao và xuất khẩu tốt, mà tổng thể hệ sinh thái ấy vẫn bình ổn.

Muốn vươn mình ra thế giới và chạm tới trái tim mọi người

Hệ sinh thái Không thể thiếu nhau sau vài năm hoạt động, giờ đây đã phát triển khắp vùng tam giác vàng Tp. Hồ Chí Minh – Bảo Lộc – Nha Trang. Hàng trăm sản phẩm tiêu dùng như nước tinh khiết, trà, cà phê… còn được đưa vào trong hệ thống siêu thị ở Tp. Hồ Chí Minh và một số resort cao cấp trong cả nước. Ngoài ra một số sản phẩm như trà cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Xuất phát từ trái tim, bám sâu cội rễ vào tinh thần nhân văn của dân tộc, muốn được thấy mọi người sẻ chia để cùng tạo nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đó có lẽ là cách người sáng lập hệ sinh thái Không thể thiếu nhau sẽ vươn những lá cành tươi tắn của mình ra xa hơn. Kỳ vọng trong một tương lai không xa, Không thể thiếu nhau sẽ vươn mình đi khắp thế giới và chạm đến trái tim của mọi người

Kim Trang

Tin khác