Thông tin trên được PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết tại cuộc họp giao ban giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố với các quận, huyện, TP Thủ Đức, sáng 9-3.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo tại buổi họp, bác sĩ Thượng cho biết tuần qua trên thế giới số ca mắc mới Covid-19 và số ca tử vong trên thế giới đã giảm. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên với số ca nhiễm mới cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Do đó, câu hỏi đặt ra liệu ngoài biến chủng Omicron thì còn làn sóng dịch Covid-19 nào mới hay không? Bác sĩ Thượng thông tin thế giới đã trải qua 3 làn sóng dịch Covid-19, mỗi làn sóng liên quan đến một loại biến chủng mới. Trong đó, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 liên quan tới biến chủng Delta, làn sóng thứ 3 liên quan đến biến chủng Omicron, chủ yếu là biến chủng BA.1 và mới xuất hiện thêm biến chủng BA.2. Đây là biến chủng mới nhất được ghi nhận đầu tiên tại Châu Phi và Ấn Độ, có khả năng lây lan nhanh hơn biến chủng đầu tiên.
Bác sĩ Thượng cho hay Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, vắc-xin vẫn có khả năng bảo vệ cơ thể khi nhiễm biến chủng BA.2 nhưng không đủ sức để giúp cơ thể không bị lây nhiễm. Do đó, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin vẫn cần được đẩy mạnh, dù biến chủng BA.2 đã chiếm ưu thế.
Thông tin về số liệu của biến chủng Omicron trên địa bàn, bác sĩ Thượng cho biết TP qua xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên 119 trường hợp mắc Covid-19 ghi nhận 103 người nhiễm biến chủng Omicron, chiếm 86%. Tuy nhiên, để biết chi tiết là BA.1 hay BA.2 thì cần phải giải mã trình tự gien. Qua giải mã trình tự gien 67 mẫu ghi nhận có 24 trường hợp nhiễm biến thể BA.1, và 43 trường hợp nhiễm biến thể BA.2.
"Như vậy, TP HCM vừa ghi nhận biến thể BA.1 vừa có cả BA.2. Điều này lý giải vì sao tốc độ lây lan lại nhanh như vậy trong thời gian qua" - bác sĩ Thượng nói.
Về việc nếu có làn sóng dịch mới do biến chủng BA.2 gây ra thì vắc-xin còn hiệu quả hay không? Bác sĩ Thượng nhận định biến chủng BA.2 lây lan nhanh hơn BA.1. Nếu có làn sóng dịch mới thì vắc-xin vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không bị bệnh nặng. Tuy nhiên, vắc-xin không đủ để chống chọi không bị nhiễm. Do đó, chiến dịch tiêm vắc-xin vẫn phải được đẩy mạnh.
Một số nhà khoa học đặt cho BA.2 biệt danh là "biến chủng Omicron tàng hình". Điều này không đồng nghĩa với việc virus không bị phát hiện mà nó rất khó phân loại.
Theo Sở Y tế TP HCM, tính đến ngày 8-3, TP đã có hơn 8,1 triệu người tiêm mũi 1; hơn 7,3 triệu người tiêm mũi 2; 676.166 người tiêm mũi bổ sung; hơn 4,1 triệu người tiêm mũi nhắc lại.
Biến chủng Omicron ban đầu có những đặc tính cụ thể về gen di truyền. Nó có sự mất gen trong protein gai dẫn đến cái được gọi là "lỗi mục tiêu gen S hay bỏ qua gen S" cho phép nhân viên y tế nhanh chóng phân biệt nó với Delta bằng cách sử dụng xét nghiệm PCR. Nhưng BA.2 không có những đặc tính di truyền đó. Vì thế trong các xét nghiệm, việc phát hiện và phân loại là một biến chủng phụ của Omicron trở nên khó khăn hơn, chưa kể rất khó phân biệt nó với Delta.