Bản báo cáo giới thiệu hàng loạt các trường hợp điển hình từ khắp khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, đồng thời chỉ ra các xu hướng chính trong việc sử dụng dữ liệu lớn trong ngành du lịch. Bản báo cáo cũng chỉ ra rõ ràng rằng dữ liệu lớn có thể đóng vai trò quan trọng hỗ trợ phục hồi du lịch và đo lường các đóng góp của ngành du lịch đối với kinh tế, xã hội, và môi trường.
Năm 2020, ngành du lịch đã trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước tới nay. Riêng năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 73%. Sự sụt giảm này có thể sẽ lặp lại trong năm 2021, ở mức 70% đến 75%. Trong quá trình phục hồi ngành thì dữ liệu và thông tin thị trường là vô cùng quan trọng, chúng sẽ giúp các điểm đến, các doanh nghiệp và nhân viên ngành du lịch có sự chuẩn bị và ứng phó tốt hơn trong bối cảnh có nhiều biến động này. Đại dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cho thấy sự cần thiết phải có dữ liệu đáng tin cậy để quản lý du lịch.
Bản báo cáo chung của UNWTO và ADB sẽ hỗ trợ cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân, cung cấp dữ liệu để hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và tăng cường khả năng phục hồi của ngành với các sản phẩm, phân khúc và thị trường mục tiêu. Dữ liệu lớn cũng đồng thời là công cụ hỗ trợ chính cho du lịch liền mạch thông qua việc triển khai các quy trình an toàn, công nghệ an toàn sinh học và chứng nhận sức khỏe số để cho phép việc mở lại biên giới một cách an toàn.
Bản báo cáo còn đề cập thêm những thách thức chủ yếu trên con đường nhận thức được đầy đủ về tiềm năng của dữ liệu lớn và chuyển đổi số để hỗ trợ xây dựng chính sách du lịch tốt hơn. Những thách thức đó gồm có những lo ngại về quyền riêng tư, thiếu hụt kỹ năng, độ tin cậy của dữ liệu, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và năng lực quản trị, khác biệt về kỹ thuật, rào cản về khả năng tiếp cận. Những thách thức này cho thấy rõ sự cấp thiết cần có một kế hoạch toàn diện để mở đường cho việc sử dụng dữ liệu lớn một cách hiệu quả nhất nhằm hỗ trợ phục hồi du lịch và phát triển du lịch theo hướng xanh và bền vững hơn.