“Không chỉ riêng Việt Nam mà trên thế giới, nhiều nhà mốt đang rời xa sàn catwalk truyền thống để trình diễn tại những nơi gần gũi với thiên nhiên, các công trình kiến trúc đặc sắc... Đây không chỉ là xu hướng nhất thời mà trở thành lựa chọn tất yếu của thời trang trong tương lai”, ông Long Kan, đạo diễn chuỗi show thời trang Fashion Voyage, nhận định.
Sau 4 lần tổ chức tại các địa danh như cầu Vàng (Đà Nẵng), đảo Trái Tim (Hạ Long), Phú Quốc... quy tụ nhiều nhà thiết kế tên tuổi như Thủy Nguyễn, Lê Thanh Hòa..., ông Long Kan đang ấp ủ biến chuỗi Fashion Voyage thành một tuần lễ thời trang thường niên để quảng bá không chỉ thời trang, giới thiệu các nhà thiết kế tài năng trẻ tuổi mà còn là các điểm đến.
Nhiều nhà thiết kế cũng mang các show diễn cá nhân đến nhiều địa danh nổi tiếng. Vu Ngoc & Son là thương hiệu tiên phong kết hợp trình diễn thời trang và quảng bá du lịch địa phương. Liên tiếp 4 năm, thương hiệu này tổ chức các buổi giới thiệu bộ sưu tập mới tại các địa điểm nổi tiếng tại TP.HCM và khu vực miền Trung, gồm Huế, Hội An, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Lê Thanh Hòa trình diễn ở ga Mường Hoa (Sa Pa), Phố Cổ (Hà Nội)... Adrian Anh Tuấn có show ở Yên Tử.
Đánh giá cao việc quảng bá du lịch qua show diễn thời trang, hầu hết chính quyền tại các địa phương đều tạo điều kiện cho các nhà thiết kế, thậm chí huy động nguồn lực địa phương để hỗ trợ. “Sự hỗ trợ của địa phương là điều kiện tiên quyết để tổ chức show. Đó không chỉ là điều kiện về giấy phép, địa điểm mà còn là sự hỗ trợ vô điều kiện trong việc huy động nguồn lực địa phương cùng tham gia”, nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú chia sẻ.
Khi show diễn thời trang được tổ chức tại một địa phương, các hoạt động lưu trú, dịch vụ tại đó được kích cầu đáng kể với lượng khách mời từ 200-500, trong đó có nhiều người nổi tiếng - điều không phải địa phương nào cũng đủ chi phí để mời quảng bá. Thời gian lưu trú của khách mời ít nhất từ 2-3 ngày. Chưa kể, việc dàn dựng show cũng tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Không chỉ thu hút khách du lịch qua các phần quảng bá văn hóa tại show diễn, nhiều thiết kế còn mang cảm hứng đặc trưng của mỗi điểm diễn vào trang phục. “Việc phát triển ý tưởng thiết kế dựa trên các điểm đến không hề dễ. Nhưng nếu chúng ta có sự am hiểu và gắn bó với địa phương đang dự định tổ chức show, cũng như xem đây là sứ mệnh để thúc đẩy du lịch, phát triển văn hóa địa phương, mọi thứ sẽ dễ hơn rất nhiều”, nhà thiết kế Đinh Trường Tùng nói.
Mặc dù tạo được tiếng vang và góp phần không nhỏ vào quảng bá du lịch, nhưng nhà thiết kế Huy Võ nhận định, để mối liên kết giữa thời trang và du lịch trở nên bền vững hơn, cần kiến tạo hệ sinh thái tuần hoàn sau show diễn. “Tức là không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu du lịch, đặc trưng của địa phương qua show diễn hay mang chúng lên trang phục nữa mà cần kết nối với các làng nghề để du khách, trước tiên là khách mời hiểu hơn về giá trị trang phục họ đang mặc. Sau đó là kích cầu mua sắm, dịch vụ đi kèm”, Huy Võ nói. Tất nhiên, để thực hiện được điều này, chỉ sức của nhà thiết kế thôi chưa đủ, cần thêm hợp lực từ phía các công ty du lịch, chính quyền địa phương.
Thách thức lớn nhất của việc tổ chức show diễn tại địa phương là chi phí. Mỗi show diễn ước tính không dưới 20-30 tỉ đồng và gần 1 năm để lên ý tưởng, khảo sát địa điểm, chưa kể các phần được hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ngốn nhiều tiền nhất là chi phí đi lại cho khách mời, vận chuyển trang thiết bị. “Có những thứ tưởng như đơn giản nhưng tại địa phương không có, bắt buộc mình phải vận chuyển theo, chẳng hạn bàn trang điểm có gương soi, hay ghế ngồi cho show diễn”, nhà thiết kế Vũ Ngọc Tú cho biết. Riêng Fashion Voyage, cả ê-kíp đã đánh vật với vận chuyển trang thiết bị bằng thuyền ra đảo, hay lên núi cao, đảm bảo điện xuyên suốt cho chương trình.
Nhà thiết kế Đinh Trường Tùng bổ sung, để du lịch địa phương phát triển thông qua thời trang, yếu tố con người quan trọng không kém. Ông Tùng lấy ví dụ, chính quyền Hội An bằng cách nào đó đã biến mỗi người dân nơi đây thành “đại sứ du lịch”. Điều này để lại ấn tượng tốt với khách mời và hiệu ứng đã xảy ra ngay sau đó, khi khách mời chia sẻ gần như đồng loạt trên các nền tảng mạng xã hội.
Ông Ryan Lê, CEO của TJC, đơn vị chuyên tổ chức tour du lịch xa xỉ, cho biết, tại những quốc gia có nền công nghiệp thời trang phát triển, rất nhiều tour du lịch xoay quanh việc tham quan, khám phá lịch sử các nhà mốt và những trải nghiệm “có một không hai” tại các bảo tàng thời trang hay những con phố mua sắm. Chẳng hạn, đến Tây Ban Nha du khách có thể tham gia tour gồm nhiều hoạt động khi tìm hiểu về lịch sử nhà mốt Balenciaga, tiểu sử nhà sáng lập Cristobal hay dự một hội thảo kéo dài 4 giờ để thử nghiệm các kỹ thuật dệt của nhà mốt. Sau mỗi tour là dịch vụ mua sắm, ăn uống với trải nghiệm xa xỉ và độc đáo, tùy mức độ chịu chi của du khách.
Nhìn ở khía cạnh này, việc dùng thời trang cho mục đích quảng bá hay kích cầu du lịch tại Việt Nam hiện nay chỉ đang dừng ở bề nổi. Với kinh phí đã bỏ ra, cần sự đồng bộ khi kết hợp các điểm diễn thời trang, tuần lễ thời trang và các tour thời trang, mua sắm, bảo tàng thời trang tạo thành những điểm tour hấp dẫn. Không giống các show âm nhạc hay các buổi diễn tại nhà hát, có thể diễn đi diễn lại nhiều lần cùng một nội dung, show thời trang chỉ hấp dẫn ở lần biểu diễn đầu tiên cũng là duy nhất, vì sự bất ngờ trong cách bày trí, tổ chức cũng như ngắm nhìn các thiết kế.