Từ khoảng 18.000 người làm việc trong ngành du lịch, sau hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, hơn 14.000 người ở Quảng Nam đã mất việc, chuyển sang nghề khác. Tỉnh này thiếu hụt lao động trầm trọng.
Khốc liệt thị trường lao động chất lượng cao
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, khu nghỉ dưỡng TUI BLUE Nam Hoi An (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) có khoảng 190 nhân sự. Do dịch bệnh, khoảng 50 nhân viên xin nghỉ việc. Hiện nay, khi ngành du lịch phục hồi, đơn vị thông báo tuyển dụng hơn 200 người nhưng tìm rất khó, thiếu hụt nhất là nhân sự ở khu vực buồng phòng và nhà hàng.
Du khách trải nghiệm dịch vụ tại khách sạn Angel Hotels (TP Đà Nẵng). Ảnh: QUANG LUẬT
Ông Anton Besbalov, Tổng Quản lý khu nghỉ dưỡng TUI BLUE Nam Hoi An, cho hay khi ngành du lịch dần phục hồi, nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn… tại Đà Nẵng, Quảng Nam đều thông báo tuyển dụng nên cạnh tranh về lao động rất lớn. Ngoài ra, ở khu vực này đang thiếu các trường nghề, nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.
Còn ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Tổng Giám đốc Gami Theme Park - đơn vị quản lý quần thể Đảo Ký ức Hội An, cho biết chưa tuyển dụng được khoảng 30% nhân sự. Nguồn lao động có tay nghề một số đã chuyển khỏi ngành du lịch, một số bị các đơn vị khác lôi kéo.
Được nhiều nhà hàng, khách sạn có tiếng mời chào làm bếp trưởng nhưng anh Dương Quang Tình (trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) vẫn lưỡng lự. Mới đây, anh nhận việc tại một nhà hàng ven biển Đà Nẵng. Vì thiếu người làm, anh phải kiêm nhiệm nhiều vị trí trong bếp. "Nghề đầu bếp cần người biết việc để phối hợp, lập thành một nhóm mới có thể làm việc hiệu quả. Nhưng vì thiếu người nên nhiều nơi chọn cách tuyển tạp vụ vào bếp, chất lượng công việc đi xuống mà công việc lại tăng lên, không xứng với đồng lương" - anh Tình cho hay.
Năm 2019, TP Đà Nẵng đón 7,5 triệu khách du lịch nhưng chỉ có 50.000 lao động (thiếu 20.000 lao động). Đến nay, Đà Nẵng chỉ có gần 20.000 lao động du lịch. Để mở rộng cơ sở, khách sạn Angel Hotels (143 Trần Bạch Đằng, quận Ngũ Hành Sơn) đăng tuyển thêm nhân viên sale, nhân viên nhà hàng với yêu cầu về khả năng quản trị nhà hàng - khách sạn, yêu cầu kinh nghiệm 3 sao hoặc 4 sao. Khách sạn sẵn sàng trả mức lương ưu đãi, đầy đủ các chế độ BHXH, hỗ trợ doanh số, tiền cơm… để thu hút nhân tài, nâng cao khả năng phục vụ khách lưu trú.
Trên các trang môi giới, tìm kiếm việc làm tại Đà Nẵng, không khó để tìm ra các mục đăng tuyển nhân sự cho ngành du lịch như của khách sạn Angel Hotels. Khác với nhu cầu tuyển lao động phổ thông như thời điểm mới mở cửa du lịch sau dịch, các doanh nghiệp chủ yếu tìm kiếm ứng viên là chuyên viên có trình độ, có kinh nghiệm quản lý, đòi hỏi kỹ năng trình bày, giao tiếp và thuyết phục tốt, kỹ năng làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp công việc… Dù đưa ra mức lương cao cũng như đầy đủ chế độ, chính sách nhưng tình trạng khan hiếm lao động chất lượng cao vẫn xảy ra.
Mở thêm trường nghề, giữ chân lao động địa phương
Để giải quyết bài toán lao động, trước mắt, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đang phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép thêm trung tâm đào tạo nghề du lịch, liên kết các trường đào tạo để kết nối với những doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực.
Tại TP Đà Nẵng, bà Hồ Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Thavico, cho rằng tiền lương là vấn đề được người lao động quan tâm hàng đầu. Vì vậy, doanh nghiệp không nên bó buộc người lao động tại đơn vị mà có thể để họ dễ dàng "di chuyển" trên địa bàn thành phố. Đồng thời, các chính sách của địa phương về ngân sách nhà nước trong tuyển dụng cần phải chắc chắn người lao động sẽ làm việc tại địa phương, không để "chảy" nhân lực về các địa phương khác.
Theo bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc truyền thông và marketing Khu Du lịch Núi Thần Tài, để đón đầu lượng khách trong cao điểm du lịch vào tháng 7, doanh nghiệp đã lọc hồ sơ, tuyển nhân sự từ 2-3 tháng trước. Về giải pháp bảo đảm nhân lực dài hạn, bà Hương cho rằng doanh nghiệp cần gắn bó mật thiết với nguồn lao động địa phương.
"Khu du lịch ưu tiên lao động tại địa phương nói chung cũng như xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang nói riêng. Nguồn lao động này đã được đào tạo từ lâu, gắn bó với doanh nghiệp xuyên suốt đợt dịch. Hiện nhân sự vẫn được tiếp tục đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, từ đó góp phần giải quyết vấn đề nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho doanh nghiệp" - bà Hương chia sẻ.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, khẳng định thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo nguồn nhân lực; số hóa các chương trình đào tạo căn bản về nghiệp vụ du lịch để người lao động chủ động tham gia; đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo nghề du lịch trong việc chuẩn bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của thành phố. Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục số lượng, chất lượng nguồn nhân lực.