Đề xuất tăng thêm thời gian quá cảnh, lưu trú
Chiều 27.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Về việc xuất cảnh, nhập cảnh của người nước ngoài, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn Cần Thơ) dẫn chứng các con số để thấy cần làm sớm hơn để thúc đẩy du lịch. Ông cho biết năm 2019, ở thời điểm trước khi có dịch COVID-19, nước ta đạt 19 triệu khách du lịch, lúc đó Thái Lan đạt 25 triệu khách. Năm 2022, nước ta đặt mục tiêu phục hồi sau dịch rất lớn với 5 triệu khách quốc tế nhưng kết quả chỉ đạt 3,6 triệu khách (khoảng 60%).
Trong khi đó, với 2 nước láng giềng là Thái Lan đạt 11 triệu khách, Malaysia đạt 9,2 triệu. Nói như vậy để thấy phục hồi du lịch của Việt Nam rất chậm. Bởi ngay từ đầu 2022 Thái Lan đã có rất nhiều chính sách về gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nhập cảnh bằng hình thức online và bằng tất cả các cửa khẩu của họ.
Ông cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, nước ta đạt được khoảng 3,7 triệu khách du lịch quốc tế, so với mục tiêu 8 triệu khách năm nay vẫn còn thách thức. Trong khi đó, với Thái Lan họ đặt mục tiêu năm 2023 đón 15 triệu khách quốc tế. Đến năm 2030 khi Việt Nam đặt mục tiêu 35 triệu thì Thái Lan họ đặt mục tiêu 80 triệu khách.
“Những con số như vậy cho thấy việc tháo gỡ các thủ tục về visa là một trong những chìa khóa hết sức quan trọng để giúp du lịch Việt Nam có thể cất cánh. Bởi xét về mặt tự nhiên, các điều kiện khác thì chúng ta cũng không thua kém gì, tại sao du lịch Việt Nam lại có một khoảng cách rất xa so với các nước xung quanh”, ông Hùng cho hay.
Trong việc sửa luật lần này, ông Hùng mong muốn sẽ áp dụng nhiều nhất cho số lượng các nước được hưởng chính sách mở rộng thời gian lưu trú, visa. Qua khảo sát đánh giá, việc khó khăn trong xin cấp visa là một rào cản rất lớn, ngoài ra là chất lượng dịch vụ, thu hút khác.
Với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu cho biết visa với những chuyên gia sang công tác, làm các dự án đầu tư thì có nhiều khó khăn. Khi họ hết hạn visa sẽ phải quay về nước làm lại các thủ tục từ đầu để quay trở lại. Cho rằng đây là rào cản, ông Hùng đề nghị làm các thủ tục ngay tại chỗ, kéo dài thời hạn visa.
Cùng nói về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, nên cân nhắc, đề xuất thêm về tăng thời gian quá cảnh, lưu trú của người nước ngoài ở Việt Nam.
“Hiện chúng ta quy định 45 ngày thì cũng chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, chưa thực sự thông thoáng cũng như chưa thực sự tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển du lịch”, đại biểu Bùi Văn Cường nói và đề nghị cần cân nhắc, tính toán thêm về vấn đề này.
Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng cần có thêm các ý kiến để khi tổng hợp giải trình, các cơ quan có thẩm quyền sẽ nghiên cứu thêm theo hướng có thể tăng thời gian này lên 60 ngày, thậm chí 90 ngày thì mới có thể thúc đẩy phát triển du lịch được.
“Thông thường khách châu Âu, châu Mỹ sang Việt Nam du lịch rồi vào các nước ASEAN thì chỉ cần đi 1 nước là có thể qua các nước khác trong khu vực và quay lại đây để trở về nước của họ. Rõ ràng nếu chúng ta cân nhắc, tính toán chỗ này thì có thể mở rộng thêm đối tượng và như thế sẽ giúp thúc đẩy du lịch hơn”, đại biểu Bùi Văn Cường phân tích.
Khách nước ngoài gặp khó khi lưu trú ở các địa phương sát biên giới
Một vấn đề khác được đại biểu Trần Việt Anh (đoàn Hà Nội) góp ý trong phiên thảo luận là vấn đề lưu trú của du khách nước ngoài. Theo đại biểu Trần Việt Anh, du lịch là nền kinh tế mũi nhọn nên việc sửa đổi bổ sung một số điều vào Luật xuất cảnh, nhập cảnh là rất cần thiết.
Đại biểu cũng cho biết, qua khảo sát về du lịch ở các địa phương, đặc biệt các địa phương sát biên giới, du khách đang gặp nhiều khó khăn khi muốn lưu trú lại trong thời gian ngắn.
"Khi trùng với khu vực biên giới thì việc khai báo của du khách quốc tế ngoài theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh thì còn theo Luật Biên phòng. Đặc biệt, du khách nước ngoài đến và muốn lưu trú lại tại các điểm du lịch phải đạt 3 yêu cầu, thứ nhất là phải khai báo với công an khu vực và đồn Biên phòng; thứ hai là phải có giấy xác nhận của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc công an địa phương mà du khách đó cư trú; thứ ba là phải nộp 10 USD theo quy định tại thông tư 25 của Bộ tài chính.
Thực tế trên gây khó khăn cho du khách khi phải thông qua rất nhiều đầu mối. Tôi yêu cầu rà soát lại nội dung này, khi Luật xuất nhập cảnh đã mở ra rồi thì phải đơn giản các thủ tục, thuận lợi cho du khách. Cần rà soát các Luật với nhau" - đại biểu Trần Việt Anh cho hay.